Thương lượng và hòa giải cần áp dụng khi nào?
Khái quát về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các cộng sự nêu quan điểm: “Các phương thức để giải quyết tranh chấp bao gồm: Thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và tòa án. Ngoài những ưu điểm nổi trội thì các phương thức này còn có những nhược điểm riêng. Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không có sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước hay bên thứ ba nào. Thương lượng thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự do định đoạt của các bên. Phần lớn các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, các bên đều quy định việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng khi có sự vi phạm hợp đồng”.
Theo Luật sư Hà, ưu điểm của phương thức thương lượng trong giải quyết tranh chấp cụ thể là: Không đòi hòi thủ tục phức tạp; không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý ngặt nghèo; hạn chế tối đa chi phí; ít ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên; bảo vệ được uy tín của các bên và bí mật trong kinh doanh. Tuy nhiên, những mặt hạn chế của phương thức thương lượng trong giải quyết tranh chấp sẽ là việc các bên đều phải có thiện chí, trung thực với tinh thần hợp tác cao, nếu không việc thương lượng sẽ thất bại và lại phải theo một phương thức khác để giải quyết.
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ 3 làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp. Khi thương lượng, hòa giải bất thành mới đưa ra tòa án hoặc trọng tài giải quyết. Ngay tại tòa án, các bên vẫn có thể tiếp tục hòa giải với nhau. Ở Việt Nam, bình quân mỗi năm, số lượng tranh chấp kinh tế được giải quyết bằng phương thức hòa giải chiếm đến trên dưới 50% tổng số vụ việc mà tòa án đã phải giải quyết.
Ưu điểm của phương thức này là giải quyết tranh chấp đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, hòa giải mang tính thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các mối quan hệ kinh doanh, vì lợi ích của cả hai bên nên nhìn chung ít gây hại đến quan hệ hợp tác vốn có của các bên. Các bên dễ dàng kiểm soát được việc cung cấp chứng từ và sử dụng chứng từ đó giữ được các bí quyết kinh doanh và uy tín của nhau. Kết quả hòa giải được ghi nhận và chứng kiến bởi người thứ 3 nên mức độ tôn trọng và tự nguyện tuân thủ các cam kết thường cao hơn thương lượng.
Bên cạnh đó, việc hòa giải có được tiến hành hay không phụ thuộc vào sự nhất trí của các bên, hòa giải viên không có quyền đưa ra một quyết định ràng buộc hay áp đặt bất cứ vấn đề gì đối với các bên tranh chấp. Thỏa thuận hòa giải không có tính bắt buộc thi hành như phán quyết của trọng tài hay của tòa án. Chi phí sẽ tốn hơn so với phương thức thương lượng và nếu hòa giải bất thành thì chi phí này sẽ trở thành gánh nặng bổ sung cho các bên tranh chấp.
Lúc nào cần đến trọng tài và tòa án để giải quyết tranh chấp?
Theo luật sư Hà lý giải, trọng tài thương mại là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập, nhằm giải quyết mâu thuẫn tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành theo quy định của Luật Thương mại 2005. Khác với thương lượng hòa giải, trọng tài là một cơ quan tài phán (xét xử), là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục tố tụng chặt chẽ hơn so với thương lượng và hòa giải, do tính tài phán của trọng tài thể hiện ở quyết định trọng tài có giá trị cưỡng chế thi hành.
Phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài với thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Quyền chỉ định trọng tài viên giúp các bên lựa chọn được trọng tài giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp. Qua đó, có điều kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng, chính xác. Nguyên tắc trọng tài không công khai giúp bảo vệ uy tín; bí mật của các bên trong kinh doanh. Phương thức này không bị giới hạn lãnh thổ nên các bên có thể chọn bất kỳ trung tâm nào giải quyết mâu thuẫn cho mình. Các phán quyết của trọng tài có thể được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng có những mặt hạn chế của phương thức này được luật sư Hà cho rằng, phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm, là một ưu thế lớn nhưng nó cũng là hạn chế không cho các bên kháng cáo, kháng nghị. Chi phí trong việc giải quyết trọng tài thường được ấn định trước và thường cao hơn nhiều so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Việc thực hiện các phán quyết của trọng tài phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự nguyện của các bên.
Lý giải thêm về hình thức tranh chấp được giải quyết tại tòa án, Luật sư Hà nói: “Khi tranh chấp hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại tòa án. Tùy theo tính chất của hợp đồng là kinh tế hay dân sự mà các tranh chấp phát sinh có thể được tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự”.
“Lợi thế của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng qua tòa án có thể kể đến là trình tự thủ tục nghiêm ngặt, buộc các bên phải thực hiện theo đúng quy định. Các quyết định của tòa án (đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước) có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên. Với nguyên tắc 2 cấp xét xử, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp có khả năng được phát hiện khắc phục. Với điều kiện thực tế tại Việt Nam thì án phí tòa án lại thấp hơn lệ phí trọng tài. Nếu đưa vụ việc tranh chấp ra tòa án, có thể thời gian giải quyết thường kéo dài vì thủ tục tại tòa án thiếu linh hoạt do phải tuân theo quy định của pháp luật. Quyết định giải quyết tranh chấp được công khai dẫn đến việc ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các bên. Phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo dẫn tới việc quá trình tố tụng bị kéo dài, thậm chí bị trì hoãn khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn”, Luật sư Hà nói.