Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ mỗi năm

1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ mỗi năm
Mỗi năm ước tính khoảng 1.000 tỷ đô la Mỹ bị dùng vào việc hối lộ trong khi 2.600 tỷ đô la Mỹ bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng.

Đó là con số được đưa ra toạ đàm về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam do Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức, sáng 20/12.

1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ mỗi năm
Tọa đàm về công tác phóng chống tham nhũng

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm hy vọng buổi toạ đàm này sẽ là cơ hội giúp chúng ta trao đổi, để có nhiều thông tin nhằm nỗ lực thực hiện những hành lang pháp lý chặt chẽ, PCTN hiệu quả nhất.

Ông Francesco Checchi – Cố vấn khu vực về PCTN Đông Nam Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế trên thế giới.

Ông Checchi cũng thông tin cho biết, mỗi năm ước tính khoảng 1.000 tỷ đô la Mỹ bị dùng vào việc hối lộ trong khi 2.600 tỷ đô la Mỹ bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng – một con số tương đương với 5% GDP toàn cầu. Tại các nước đang phát triển, ước tính số ngân sách bị mất đi do tham nhũng lớn gấp 10 lần tổng giá trị viện trợ phát triển chính thức (theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc). “Đây là một con số rất lớn, nhưng cái giá của tham nhũng trên thực tế còn lớn hơn nhiều” – ông Checchi nói.

Cái giá đó, đã từng được ông nhắc tới, đó là “Khi tiền công bị đánh cắp nhằm tư lợi, nó có nghĩa rằng nguồn lực để xây trường học, bệnh viện, đường sá, cầu cống và các công trình công ích khác càng trở nên hiếm hoi. Tham nhũng khiến cho thuốc giả hay kém chất lượng tràn ra thị trường, còn những rác thải nguy hiểm thì bị vùi trong đất hoặc đổ ra đại dương”.

Ông Checchi cũng nói rằng chính những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên và tồi tệ nhất bởi tham nhũng – chẳng hạn như biển thủ công quỹ hay viện trợ nước ngoài nhằm tư lợi.

Ông nhấn mạnh PCTN là vấn đề trung tâm trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu, và việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật PCTN sửa đổi đã tạo động lực quan trọng trong công tác PCTN thời gian tới.

Cố vấn về PCTN khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cũng đánh giá cao những điểm mới trong Luật PCTN sửa đổi như mở rộng PCTN sang khu vực tư, quản lý kê khai tài sản thu nhập theo hướng tập trung hơn, giám sát công tác PCTN và một số điểm mới khác…

Theo ông, PCTN là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội, trong đó, khu vực tư nhân và báo chí cũng đóng một vai trò quan trọng, từ công tác giám sát các dịch vụ công, tố cáo tham nhũng cho đến nâng cao nhận thức cho mọi thành phần kinh tế, xã hội.

“Do đó, chúng tôi khuyến khích Chính phủ tạo điều kiện và đẩy mạnh sự tham gia hiệu quả của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới báo chí vào công tác PCTN nhằm xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách ảnh hưởng tới cuộc sống của họ” - Ông Checchi nói.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, dù đạt một số kết quả tích cực nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng, Nhà nước ta.

Nguyên nhân bởi Luật PCTN còn nhiều bất cập, như quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp đảm bảo thời gian thực hiện, đặc biệt chưa rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện công khai. Trong khi đó, quy định về trách nhiệm giải trình còn hẹp, chưa phù hợp, chưa mang tính khả thi.

Luật PCTN trước đây cũng chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, chưa khắc phục được những biện pháp thiếu hiệu quả như việc tặng và nhận quà đối với người thân của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ, chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài của người có chức vụ quyền hạn.

Bên cạnh đó, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập, còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản khi có yêu cầu…

Hoài Vũ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.17572 sec| 645.938 kb