Mới đây, tại phiên họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch, Tổng giám đốc công TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, công ty của Nhật Bản đã khảo sát tại 3 điểm ngập cố hữu trung tâm Hà Nội như phố Đường Thành, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm) và phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa).
Trong đó, ông Võ Tiến Hùng cũng thông tin về tình hình triển khai, thực hiện công tác thoát nước mùa mưa, các dự án thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội năm 2018.
Cụ thể, theo ông Hùng, với 3 điểm ngập úng cố hữu nêu trên, phương án hầm nhân tạo là rất khả thi, đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất phương án xây hồ chống ngập nhân tạo 2.000m3 tại khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm). Dự kiến, kinh phí tổng thể khoảng 25 tỷ đồng.
Trước thông tin này, sáng ngày 6/6 trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) bày tỏ: “Theo tôi thấy ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất là đào hồ và thứ hai là chống ngập. Việc đào hồ rất khả thi còn có chống ngập hay không thì chưa thể biết được”.
Lý giải về lý do làm hồ ngầm nhưng chưa thể biết được có chống ngập hiệu quả hay không, KTS Trần Huy Ánh cho biết: “Vì nước ngầm muốn thoát cũng phải tính thoát đi đâu, trong khi nền đất Hà Nội ngập nước rất cao trên nền sông hồ. Phố cổ Hà Nội bản chất cống thấp hàng trăm năm nay rồi, đồng thời với quá trình đô thị hóa cũng khiến cho việc ngập úng ngày càng nhiều. Vì thế, trước khi kiểm tra việc xây hồ ngầm còn tùy theo địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, địa chất, khu vực… Việc đào hồ ngầm thì được ngay nhưng còn chống ngập hay không phải mưa mới biết được".
Ông Ánh cũng phân tích thêm: "Đứng về góc độ khoa học tôi cũng chỉ mới nghe bàn về chuyện đào hồ ngầm, chứ chưa nghe nói gì về khả năng nước thoát đi đâu, khả năng hấp thụ nước đất ngầm của khu vực đấy như thế nào. Cũng chưa có bất cứ khảo sát, thí nghiệm từ nhỏ đến lớn nào về việc xây hồ ngầm chống ngập là hiệu quả”.
Thanh Lam