Mương nước tử thần
Trong 2 năm 2017-2018, 3 em nhỏ tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đuối nước thương tâm tại mương nước của trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang. Cụ thể, vào ngày 26/8/2017, 3 em nhỏ khuyết tật tại trung tâm Công tác xã hội (cơ sở 2) đã sang phần đất thuộc trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp chơi. Một em đã vô tình bị ngã xuống kênh nước này, đuối nước và tử vong. Tiếp đó, đến ngày 23/6/2018, 2 em học sinh trường Tiểu học xã Tân Dĩnh lại tiếp tục bị đuối nước, tử vong tại mương nước của trường này.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo xác định nguyên nhân, trách nhiệm đơn vị liên quan.
Theo đó, trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang xây dựng công trình sai phạm không đúng theo danh mục và vô trách nhiệm trong quá trình khắc phục, dẫn đến hậu quả làm 3 em nhỏ chết đuối thương tâm. Báo cáo của sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho rằng: UBND xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang cũng phải chịu trách nhiệm do không thực hiện tốt công tác kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh cáo nguy hiểm tại các khu vực nước sâu nguy hiểm. Tuy nhiên, UBND xã Tân Dĩnh lại khẳng định phần mương nước này nằm trong phạm vi đất của trường, nên họ không có thẩm quyền cắm biển cảnh báo và cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.
Cần khởi tố vụ án, tránh “lập lờ” trách nhiệm
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng văn phòng Luật sư Long Tâm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: Báo cáo của sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang có "sự mâu thuẫn, thiếu logic". Cụ thể về nguyên nhân của vụ việc nghiêm trọng này được chỉ ra “hoàn toàn và duy nhất do chủ đầu tư là trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang”, vậy mà đơn vị chịu trách nhiệm về hậu quả lại được “quy thêm cho bên khác”, đó là Ủy ban nhân dân xã Tân Dĩnh.
Trong khi, pháp luật quy định rất rõ, dự án xây dựng thuộc quyền quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước hết về hoạt động liên quan đó. Đồng thời với chức năng quản lý xây dựng thì cơ quan ngành dọc là Thanh tra xây dựng các cấp và cơ quan chuyên môn quản lý dự án xây dựng cấp tỉnh (sở Xây dựng Bắc Giang) phải là đơn vị chịu trách nhiệm về hậu quả do “buông lỏng quản lý, giám sát đối với việc triển khai dự án” này của chủ đầu tư.
Luật sư Hoàng đặt câu hỏi: “Hậu quả nghiêm trọng dẫn đến cái chết cho một trẻ em đã có từ thời điểm tháng 8/2017 vậy tại sao với chức trách quản lý ngành của mình, sở Xây dựng để đến gần một năm sau khi tiếp tục có thêm 2 em nhỏ tử vong nữa mới báo cáo nguyên nhân và trách nhiệm lên UBND tỉnh Bắc Giang? Chẳng nhẽ với cái chết đuối nước đầu tiên ngày 28/6/2017 của một em nhỏ khuyết tật lại không phải là hậu quả nghiêm trọng hay sao? Đáng nhẽ, ngay lập tức dự án cần phải bị dừng lại để xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm liên quan và có biện pháp khắc phục ngay từ thời điểm đầu tiên này thì có thể không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ngày 23/6/2018 với cái chết thương tâm của 2 em bé nữa”.
Nêu nhận định về trách nhiệm của các cơ quan trong vụ việc trên, vị trưởng văn phòng Luật sư Long Tâm cho rằng: "Có thể khẳng định ngay rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư dự án, ở đây là trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (cơ sở 2). Sau đó là các cơ quan thanh tra xây dựng ngành dọc, hiện được tổ chức từ tỉnh xuống huyện trực thuộc sở Xây dựng. Và đặc biệt là trách nhiệm của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp trực tuộc sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, cơ quan chuyên môn có quyền thẩm định, giám sát trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/6/2018 quy định về quản lý dự án xây dựng. Ở đây, sở Xây dựng đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, xử lý kịp thời đối với sai phạm thuộc dự án như chính báo cáo của cơ quan này gửi UBND tỉnh mà lại đổ lỗi loanh quanh cho cơ quan khác".
Theo luật sư Lê Ngọc Hoàng, vụ việc này đã có dấu hiệu rất rõ của hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, quản lý, giám sát dự án gây hậu quả nghiêm trọng làm 3 người chết. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ về tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360, Bộ luật Hình sự 2015 để truy cứu trách nhiệm các cá nhân vi phạm liên quan.
Hành động coi thường tính mạng con người đều phải trả giá
Bày tỏ quan điểm về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thị Tuyến - đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, ngay từ đầu khi một trẻ bị đuối nước, vụ việc cần được truy cứu đến cùng thì 2 cháu bé khác đã không phải bỏ mạng thương tâm.
“Tiền bạc, lời xin lỗi, nhận trách nhiệm có đủ làm vơi nỗi đau mất con trong tâm can bậc sinh thành? Sự chậm trễ trong việc truy cứu trách nhiệm cần được làm sáng tỏ, quá trình thi công cẩu thả, hời hợt của đơn vị liên quan cần phải xử lý nghiêm khắc. Các đơn vị thi công nâng cao ý thức bảo đảm an toàn cho người dân bằng cách gắn biển cảnh báo và thực hiện phương án che chắn công trình cẩn thận… Trách nhiệm và ý thức của các đơn vị thi công phải đi liền với nhau. Đã đến lúc bất kỳ hành động nào coi thường tính mạng con người cũng cần phải bị trả giá thích đáng trước pháp luật”, luật sư Tuyến nhấn mạnh.
Làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm minh
UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang xác minh, làm rõ các vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng của trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang dẫn tới 3 vụ tai nạn đuối nước trẻ em có dấu hiệu hình sự hay không, trên cơ sở đó chỉ đạo xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định pháp luật. Kết quả xác minh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trước ngày 30/11/2018.
Việt Hương