Nhà Trắng hôm 2/4 chỉ trích Trung Quốc "gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ và bóp méo thị trường toàn cầu" khi tăng thuế nhập khẩu 15-25% với 128 sản phẩm Mỹ. Đây được coi là biện pháp trả đũa của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 23/3 áp thuế 10% đối với mặt hàng nhôm và 25% với thép nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Đầu tháng 3 vừa qua, ông Trump thông báo sẽ tăng thuế lên nhôm và thép nhập khẩu. Sau đó, ông loại trừ áp dụng cho nhiều nước nhưng trong đó không có Trung Quốc.
Các biện pháp thương mại đơn phương mới của Mỹ gây sốc cho nhiều doanh nghiệp Mỹ và các lãnh đạo nước ngoài, nhất là sau khi cách làm của ông Trump trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ có vẻ ngược lại hoàn toàn với giọng điệu dân túy hồi ông còn tranh cử.
Derek Scissors, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng tình hình hiện nay mới chỉ là một cuộc đấu "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi gói thuế 50 tỷ USD của Mỹ và 3 tỷ USD đáp trả của Trung Quốc chưa phải là nhiều so với quy mô nền kinh tế hàng nghìn tỷ USD của mỗi nước.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là những gì sẽ diễn ra tiếp theo, khi hai quốc gia tiếp tục tung ra những đòn đáp trả lẫn nhau và dẫn tới một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn chưa nổ ra, người dân Mỹ đã phải hứng chịu những hậu quả đầu tiên. Người Mỹ đã quen với việc sử dụng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thế nên việc tăng thuế đối với các mặt hàng này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí sinh hoạt tại Mỹ.
Nhiều công ty nông nghiệp Mỹ cảnh báo họ có thể rơi vào giữa một cuộc chiến thương mại, nhất là khi ông Trump thực hiện đúng những gì đã tuyên bố nhằm vào Trung Quốc và Mexico.
Cách tiếp cận về thương mại của ông Trump bị đánh giá là không nhất quán, khiến các đồng minh và lãnh đạo nước ngoài khó đoán trước Tổng thống Mỹ định làm gì tiếp. Ông Trump nói rằng những đe dọa thương mại của ông chỉ nhằm mở đường để đàm phán. Vừa cuối tuần qua, ông đe dọa qua Twitter rằng sẽ rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu Mexico không làm gì hơn để ngăn người di cư vào Mỹ.
Với việc Trung Quốc áp mức thuế mới 15% với mặt hàng nhân sâm, cuộc sống của nhiều người dân hạt Marathon sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. "Đây là sinh kế của rất nhiều người. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng mức thuế đó sẽ được dỡ bỏ", Jackie Fett, chủ tịch Hội đồng Nhân sâm Wisconsin, nói.
Brent Bible, người trồng đậu nành và ngô ở Lafayette, Indiana, đã xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi chính quyền Trump tránh gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc. "Chúng tôi mới là người mắc kẹt giữa hai làn đạn", ông chia sẻ.
Nhiều người lo rằng căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington có thể gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu. Theo nhà kinh tế học giành giải Nobel Robert Shiller, sau khi Trung Quốc nhằm vào 128 mặt hàng Mỹ, sự bất định về các biện pháp thương mại kiểu ăn miếng trả miếng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế. “Nó sẽ là một sự hỗn loạn. Sẽ làm chậm sự phát triển trong tương lai nếu mọi người nghĩ rằng những điều như thế này sẽ tiếp tục xảy ra”, ông nói.
Tâm An (Tổng hợp)