Một lát cắt nợ xấu
Trong giai đoạn 2012 - 2015, cả hệ thống ngân hàng đã phải dồn toàn lực tái cơ cấu, xử lý khối nợ xấu khổng lồ được ví như “cục máu đông” của nền kinh tế, nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản và an toàn hệ thống theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Con số nợ xấu được các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo tính đến cuối tháng 9/2012 là khoảng 133,06 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,93% tổng dư nợ. Nhưng quy mô nợ xấu có thể tới gần 465 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,21% tổng dư nợ nếu tính thêm nợ xấu từ mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng, nợ xấu tàu biển nhóm Vinashin, Vinalines được “khoanh” lại.
Đến cuối năm 2014, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho hay hệ thống các TCTD đã xử lý được 311 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bằng 67% tổng nợ xấu ở thời điểm tháng 9/2012. Nhờ đó, nợ xấu đã giảm đáng kể chỉ còn 142,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,25% tổng dư nợ.
Mặc dù số liệu nợ xấu có sự vênh lệch giữa các báo cáo của TCTD, cơ quan quản lý, nhưng đều phản ánh thực trạng báo động về tình trạng cho vay quá “nóng”, gây nợ xấu rất khủng khiếp, có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt ở thời điểm 2012 - 2015 khi thị trường bất động sản, chứng khoán suy thoái… gây khó khăn cho việc xử lý tài sản bảo đảm.
Những khoản nợ xấu lớn được điểm mặt, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, xây dựng, chứng khoán… Nợ xấu dồn tụ ở những nhóm khách hàng VIP là doanh nghiệp lớn, tập đoàn nhà nước, công ty “sân sau” của chủ nhà băng, được hé lộ trong nhiều vụ đại án vi phạm pháp luật xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ocean Bank, GPBank, Phương Nam, Agribank, Sacombank, BIDV… Ở đâu đó, nợ xấu còn ẩn nấp trong vô vàn những giao dịch “lòng vòng” mà dòng tiền được rút khỏi ngân hàng để đổ vào bất động sản, rất khó xử lý bởi chính các ngân hàng đã và đang bắt tay với doanh nghiệp tạo ra khối nợ xấu nghìn tỷ trong “ma trận” sở hữu chéo, lợi ích nhóm…
Quả đắng vì “hào phóng” cho vay khách VIP
Câu chuyện cho vay dẫn tới nợ xấu, nợ mất vốn được phản ánh rõ nhất ở khối nhà băng lớn, với tổng quy mô dư nợ chiếm hơn 50% cả hệ thống và “bào mòn” lợi nhuận kinh doanh.
Nằm trong nhóm ngân hàng có nợ xấu “khủng” nhất hệ thống, BIDV suốt nhiều năm qua đã rất chật vật xử lý thu hồi nợ xấu. Trong giai đoạn 2012 - 2015, nợ xấu của BIDV luôn ở mức rất cao, từ mức 9.161 tỷ đồng (chiếm 2,91% dư nợ) cuối năm 2012, đã giảm nhẹ 8.839 tỷ đồng cuối năm 2013, tăng vọt hơn 10.053 tỷ đồng vào cuối năm 2015 (nợ có nguy cơ mất vốn chiếm 5.190 tỷ đồng).
Nợ xấu của BIDV vẫn không ngừng tăng lên vượt hơn 18.800 tỷ đồng vào cuối năm 2018, mà hơn 38% số này là nợ có nguy cơ mất vốn. Do phải trích lập dự phòng rất lớn (kỷ lục là 18.900 tỷ đồng) nên lợi nhuận năm 2018 bị giảm 27,2%, chỉ lãi trước thuế 6.742 tỷ đồng.
Còn nhớ, vào thời điểm 2016, thị trường chấn động khi xuất hiện thông tin nhóm 12 TCTD phải họp bàn khẩn cấp tìm cách “giải cứu” nợ cho nhóm công ty của Hoàng Anh Gia Lai. Là chủ nợ lớn nhất, BIDV đã phải tái cơ cấu giãn, hoãn cho số nợ hơn 10.862 tỷ đồng của tập đoàn này cũng là cứu nguy cho chính ngân hàng.
Ngoài ra, BIDV còn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản vay vốn làm dự án lớn mà hệ quả là gây ra khối nợ xấu lớn hàng nghìn tỷ đồng nêu trên. Đơn cử, ngân hàng này đã phải thu giữ và rao bán tài sản đảm bảo để hồi nợ hơn 2.278 tỷ đồng của CTCP Thuận Thảo (Sài Gòn).
Tương tự, BIDV cũng “mắc cạn” khó thu hồi những khoản nợ trăm tỷ đồng của hai công ty liên quan tới ông Vũ Anh Cường, người đang dính lùm xùm bị tố cáo lừa đảo bán đất dự án “treo” nhiều năm, chiếm dụng vốn của nhiều khách hàng. Vị đại gia này cũng gây ồn ào khi quấy rối nữ hành khách trên máy bay, có phát ngôn phản cảm “Mày biết tao là ai không?”. Để huy động vốn làm ăn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành và Công ty TNHH Thế kỷ 21 Bình Trưng Tây đã được BIDV cho vay vốn, nhưng sau đó đã trở thành nợ xấu khó đòi. Tổng số nợ xấu được ghi nhận lên tới hơn 118 tỷ đồng mà hơn 50% là nợ có nguy cơ mất vốn từ năm 2015. Suốt 7 năm qua, nhóm công ty này cũng vay nợ tại nhiều ngân hàng, trong đó đã phát sinh nợ xấu lớn…
Theo các báo cáo tài chính, nhiều năm qua, sức ép xử lý nợ xấu gấp gáp đã khiến BIDV phải bán nợ sang cho VAMC để đổi lấy hơn 14.137 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (tính đến cuối năm 2018) trong nỗ lực “làm đẹp” sổ sách, song vẫn phải trích lập 7.676 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu VAMC này. Đây là những khoản nợ mà doanh nghiệp còn hoạt động, có tài sản đảm bảo, có khả năng thu hồi… hay là nợ xấu gặp khó khăn trong việc xử lý thu hồi thì chỉ người trong cuộc mới nắm rõ.
Hào phóng cho những khách hàng VIP vay hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, để rồi con nợ làm ăn bết bát, mất khả năng cân đối tài chính trả nợ, các ngân hàng đã phải nhận “quả đắng” là khối nợ xấu khổng lồ. Không chỉ khổ sở thu hồi nợ, tài sản đảm bảo khó xử lý mà ngân hàng còn phải “cắn răng” trích lợi nhuận để dự phòng rủi ro theo quy định. Khối nợ xấu nếu không được cơ cấu theo hướng khoanh nợ, hay bán sang cho công ty VAMC, hay “ẩn nấp” ở những giao dịch với bên liên quan… thì có lẽ kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng sẽ khó có lãi, thậm chí là thua lỗ, âm vốn.
Vấn đề khó hiểu là vì sao những khoản cho vay gây ra nợ xấu lớn, thậm chí xảy ra sai phạm, có sự câu kết giữa các bên liên quan để rút ruột ngân hàng lại rất ít khi quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tập thể? Chỉ đến khi xảy ra thiệt hại, gây mất vốn Nhà nước thì mới khởi tố vụ án hình sự, truy tố lãnh đạo ngân hàng.
Theo Reatimes.vn