BBC đưa tin. kết quả điều tra của Chương trình File on Four của BBC Radio 4 cho thấy, hàng nghìn công dân Anh mua bằng giả từ một “xưởng văn bằng” ở Pakistan.
Trong số danh sách hàng nghìn người mua bằng có cả bác sĩ tham vấn và y tá của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Một người mua ở Anh đã chi gần 500.000 bảng cho văn bằng giả.
Bộ Giáo dục Anh cho biết “hành động kiên quyết để giải quyết vấn đề gian lận bằng cấp gây ảnh hưởng đến những người học chính thống”.
Axact, tự nhận là “công ty công nghệ thông tin lớn nhất thế giới”, điều hành mạng lưới hàng trăm đại học trực tuyến giả mạo do các đại lý từ trung tâm dịch vụ Karachi ở Pakistan quản lý.
Với những cái tên như Đại học Brooklyn Park và Đại học Nixon, họ trưng hình ảnh sinh viên đang mỉm cười và thậm chí là các bài báo giả mạo dành lời khen ngợi cho trường.
Theo tài liệu BBC Radio 4 tiếp cận, hơn 3.000 bằng cấp giả từ Axact đã được bán cho người Anh vào năm 2013 và 2014, gồm bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Trong đó, nhiều nhân viên của NHS, gồm một bác sĩ nhãn khoa, một nhà tâm lý học, nhiều y tá và bác sĩ tham vấn cũng nằm trong danh sách mua bằng giả.
Nhiều người đã mua bằng giả nói rằng họ chưa sử dụng đến. Một bác sĩ tham vấn tại một bệnh viện đại học y ở London đã mua bằng thạc sĩ nội khoa giả từ Đại học Belford vào năm 2007 nói với BBC rằng đã không sử dụng đến bằng cấp này vì “chưa được chứng thực”. Trước đó, vị bác sĩ này từng bị kỷ luật bởi Hội đồng Y khoa (GMC) vì không báo cáo về tiền án.
Một bác sĩ gây mê mua bằng “quản lý bệnh viện” cũng nói chưa dùng nó tại Anh. Trong khi đó, một bác sĩ tham vấn về cấp cứu nhi khoa, người đã mua bằng “thạc sĩ khoa học về công nghệ chăm sóc sức khỏe”, cho biết “bất ngờ hoàn toàn” khi BBC nói rằng đó là bằng giả.
Hiện chưa có thông tin gì về việc những bác sĩ lâm sàng này không có bằng y khoa ban đầu thích hợp.
Hội đồng Y khoa (GMC) cho biết các nhà tuyển dụng phải xác minh bất kỳ bằng cấp nào bổ sung cho bằng cấp y khoa. Tuy nhiên, Jayne Rowley - giám đốc điều hành của tổ chức kiểm tra bằng cấp giáo dục bậc cao (HEDD), cho biết chỉ có 20% nhà tuyển dụng ở Anh xác minh trình độ của ứng viên.
Mua bằng giả không phải là việc bất hợp pháp ở Anh, nhưng sử dụng chúng để nộp hồ sơ xin việc giả mạo, khai báo sai có thể dẫn đến 10 năm tù. “Bác sĩ được cấp phép hành nghề nếu có bằng y khoa hợp pháp. Nhưng với việc mua một bằng cấp giả, họ vẫn được xem là gian lận và có thể bị khởi tố”, bà nói.
Năm 2015, Axact bán hơn 215.000 bằng cấp giả trên toàn cầu, thông qua khoảng 350 trường trung học và đại học “ma”, thu được 51 triệu USD chỉ trong một năm.
P.V (Tổng hợp)