Liên quan đến việc tự ý nâng số phòng từ 156 phòng lên 184 phòng tại khu du lịch Vietsovpetro đã được Diễn đàn pháp luật đăng tải qua các bài viết: “Bà Rịa - Vũng Tàu: KDL Vietsovpetro còn nhiều bất cập trong thực hiện ĐTM khi tự ý nâng số phòng”; “Bà Rịa –Vũng Tàu: KDL Vietsovpetro cố tình xây dựng sai so với GPXD”; “KDL Vietsovpetro tăng số phòng không cần GPXD sau điều chỉnh quy hoạch 1/500”, phản ánh về tình trạng bất chấp quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng của chủ đầu tư dự án khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã đưa vào hoạt động kinh doanh trong thời gian qua.
Trước đó, Diễn đàn pháp luật đã đưa tin, trong công văn phản hồi từ phía Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, đơn vị này cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh BR-VT phê duyệt cho cả dự án khu du lịch Hồng Phúc với tổng công suất phòng lưu trú là 210 phòng, trong đó khu khách sạn là 156 phòng, các biệt thự là 54 phòng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã thay đổi điều chỉnh thiết kế nâng số phòng ngủ của khối khách sạn lên 184 phòng và giảm số phòng của các biệt thự xuống còn 20 phòng. Tổng số phòng lưu trú của dự án giảm xuống còn 204 phòng, thấp hơn so với ĐTM đã được phê duyệt nhưng hệ thống xử lý nước thải đã được xây dựng vẫn giữ nguyên công suất xử lý cho 210 phòng. Việc điều chỉnh thiết kế trên đã được chủ đầu tư báo cáo, giải trình UBND tỉnh và xin phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch Hồng Phúc. Quy hoạch điều chỉnh 1/500 của khu du lịch Hồng Phúc đã được UBND tỉnh chấp thuận và phê duyệt tại quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 20/4/2015.
Tuy nhiên, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu đã có văn bản phản hồi thông tin đến Diễn đàn pháp luật về khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro do công ty CP du lịch dịch vụ Dầu khí Vietsovpetro làm chủ đầu tư kèm theo Kết luận thanh tra số 8137/KL-STNMT ngày 14/12/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể trong kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường có nêu rõ các nội dung sau: “Công ty đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án khu nghỉ dưỡng Hồng Phúc tại quyết định số 36QĐ.UBND ngày 24/6/2011 với quy mô thiết kế của khu nghỉ dưỡng bao gồm: Khách sạn 156 phòng, 17 biệt thự 1 phòng ngủ, 1 biệt thự 2 phòng ngủ; 8 biệt thự 4 phòng ngủ; 1 biệt thự 3 phòng ngủ; 8 phòng ở nhân viên; 1 khu hội nghị; 1 câu lạc bộ thu thuyền, 1 nhà hàng biển, 1 khu spa, hồ bơi”.
Theo báo cáo, khu nghỉ dưỡng bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2013 với 2 giai đoạn. Hiện tại đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động các công trình của giai đoạn 1 gồm khu khách sạn 184 phòng, hồ bơi, phòng hội nghị. Như vậy, đơn vị đã nâng quy mô khách sạn từ 156 phòng lên 184 phòng khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, chưa thực hiện thủ tục môi trường theo quy định.
Trong tháng 7/2020, Công ty đã nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng do hồ sơ không hợp lệ nên ngày 16/7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1554STNMT-CCBVMT để hướng dẫn và trả hồ sơ về cho Công ty. Trong năm 2019, Công ty đã thực hiện báo cáo giám sát môi trường với tần suất báo cáo 02 lần/năm. Nội dung giám sát chưa đúng theo nội dung cam kết. Cụ thể, tần suất giám sát nước thải, khí thải chỉ thực hiện 06 tháng/lần trong khi đó nội dung cam kết là 03 tháng/lần.
Do Công ty thay đổi quy mô, thiết kế và đã đi vào hoạt động nên Sở đã có văn bản số 1231/STNMT-BVMT ngày 06/5/2015 yêu cầu Công ty phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo đúng quy mô thực tế đã thay đổi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong thời hạn tối đa 36 tháng theo quy định tại Điểm a, khoản Điều 22 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên tại thời điểm thanh tra, Công ty chưa hoàn thiện thủ tục môi trường.
Ngày 16/8/2019, công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam đã có văn bản số 815/KHCNVN-KTKT về việc vị trí đấu nối thoát nước thải sau xử lý của khu du lịch Hồng Phúc, theo đó Công ty thống nhất vị trị đấu nối nước thải sau xử lý khu nghỉ dưỡng vào tuyến cống thoát nước chung D800 trên đường Ven Biển xã Phước Thuận nhưng việc đấu nối chỉ dừng lại ở mặt thủ tục chưa tiến hành đấu nối thực tế.
Ngoài ra, trong kết luận thanh tra còn chỉ rõ một số tồn tại khác như: “Khu nghỉ dưỡng cũng chưa kiểm soát được lưu lượng xả thải, chưa lập nhật ký theo dõi quy trình vận hành của hệ thống xử lý nước thải; Thực hiện báo cáo giám sát môi trường không đúng theo nội dung cam kết của ĐTM đã được phế duyệt về tần suất giám sát; Chưa ký hợp đồng với đơn vị chức năng để nộp phí xử lý rác thải sinh hoạt”.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rõ nguyên nhân về việc không xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu CĐT khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro cần khắc phục như sau: “Việc Công ty đã tự ý nâng công suất khu khách sạn từ 156 phòng lên 184 phòng khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, chưa thực hiện thủ tục môi trường theo quy định. Do thời gian Công ty bắt đầu xây dựng dự án là năm 2011, bàn giao năm 2012, tính đến thời điểm hiện nay là hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản (1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012), vì vậy không xử lý vi phạm hành chính nhưng yêu cầu Công ty phải có biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật hiện hành”.
Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.