Bác sĩ Trần Vũ Quang, khoa Sản 1, bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) cho biết, khám thai định kỳ là việc làm vô cùng cần thiết giúp các cặp đôi kịp thời phát hiện ra các bệnh tiềm ẩn của thai nhi và thai phụ, những nguy cơ có thể gây ra những biến chứng khi mang thai và sinh nở để phòng tránh hoặc điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu lại không chú ý tới điều này nên đã để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc.
Theo bác sĩ Quang, khám thai định kỳ là cách tốt nhất để theo dõi sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của thai phụ. Đồng thời, khám thai giúp phát hiện những bất thường của thai nhi. Để có biện pháp xử lý kịp thời hạn chế các biến chứng thai nhi và tránh để lại di chứng cho thai phụ.
Trong suốt thai kỳ sẽ có những cột mốc khám thai quan trọng. Thời điểm đó các kết quả khám thai đảm bảo tính chính xác và an toàn cho thai nhi.
Theo bác sĩ Quang, thai phụ sẽ có lịch khám thai định kỳ vào các giai đoạn quan trọng như sau:
Lịch khám thai lần 1 (6-8 tuần tuổi): Nhận diện sự hình thành của thai
Lịch khám thai lần đầu của chị em thường sau khi mất kinh từ 2-4 tuần. Khi đó thai kỳ đã được khoảng 6- 8 tuần. Lần khám thai này để kiểm tra xem thai phụ có thực sự mang thai hay không? Thai nhi đã vào tử cung của người mẹ chưa? Đã có tim thai chưa?
Ngoài ra, bác sĩ sẽ tìm hiểu chi tiết về tình trạng sức khỏe chung của mẹ. Vì các thói quen có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Cũng như chi tiết về những lần sinh và thụ thai trước đó, các vấn đề về sinh sản mà thai phụ từng gặp phải.
Người mẹ cũng sẽ được đo tử cung để làm cơ sở theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi. Đây cũng là thời điểm bác sĩ đưa ra dự báo về ngày sinh cho thai phụ. Bên cạnh đó, thai phụ cũng sẽ phải làm các xét nghiệm để xác định nhóm máu, lượng hồng cầu, bạch cầu để xem thai phụ có bị thiếu máu hay có bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục hay không.
Làm thêm các xét nghiệm như Rubella, viêm gan, tiểu đường, xét nghiệm Pap để tìm ung thư cổ tử cung cho mẹ. Và tùy theo tiền sử bệnh cá nhân, gia đình, người mẹ có thể sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác. Như để tầm soát bệnh tiểu đường hay những bệnh về di truyền.
Lịch khám thai quan trọng (11- 14 tuần tuổi): Đo độ mờ da gáy
Lịch khám thai quan trọng chính là khi thai nhi được 11- 14 tuần tuổi. Bởi đây là khoảng thời gian bác sĩ có thể tiến hành đo độ mờ da gáy tốt nhất. Nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm gây nên các căn bệnh như Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành cho trẻ.
Siêu âm trong giai đoạn này thường được chỉ định siêu âm 3D- 4D. Để phát hiện một số dị tật như thai vô sọ, khe hở thành bụng, không xương mũi… Ngoài ra, người mẹ cũng có thể làm xét nghiệm Doule Test để tầm soát thêm các bất thường bẩm sinh khác của thai nhi. Đây là một mốc rất quan trọng của lịch khám thai định kỳ.
Lịch khám thai định kỳ lần 3 (16 tuần): Để phát hiện thai suy dinh dưỡng
Lần tiếp theo của lịch khám thai định kỳ của chị em thường là khi thai nhi được 16 tuần tuổi. Ở lần khám này thai phụ sẽ được thăm khám như bình thường. Dựa vào tình trạng sức khỏe của thai phụ mà bác sĩ yêu cầu phải làm thêm một số xét nghiệm nếu cần.
Qua theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của mẹ. Bác sĩ có thể phát hiện thai suy dinh dưỡng trong tử cung. Từ đó có thể tư vấn chế độ dinh dưỡng hoặc những chăm sóc đặc biệt cho các thai phụ.
Lịch khám thai chuẩn (22- 23 tuần): Tầm soát dị tật bất thường ở thai nhi
Lịch khám thai chuẩn ở mốc 22- 23 tuần là rất quan trọng trong việc tầm soát lại các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Đây là thời điểm mà các bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch… cũng như dị dạng ở các cơ quan, nội tạng… đều có thể phát hiện qua siêu âm và bác sĩ sẽ tư vấn hướng can thiệp thích hợp nhất cho thai phụ.
Đây cũng là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và không dẫn đến sinh non như khâu vòng cổ tử cung ở những bà mẹ bị hở eo tử cung, phẫu thuật bóc hoặc cắt khối u buồng trứng ở những bà mẹ có khối u buồng trứng.
Kiểm tra thai định kỳ khi thai 26 tuần
Kiểm tra định kỳ thai tuần thứ 26 siêu âm thai sẽ phát hiện ra bất thường của cả thai phụ và thai nhi. Thời điểm này, người mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 1. Đây là một mục không thể thiếu trong lịch khám thai định kỳ cho chị em.
Tuần thứ 31- 32: Kiểm tra chẩn đoán ngôi thai
Kiểm tra chẩn đoán ngôi thai cho thai phụ sẽ được thực hiện vào tuần thứ 31- 32 của thai kỳ. Thai phụ được siêu âm để phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn ở thai nhi, như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như dãn não thất.
Nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung. Cũng trong lần khám này, người mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 2. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ…
Từ đó có thể dự đoán được kỳ sinh sắp tới dễ hay khó, có nguy cơ gì. Ngoài ra những thai kỳ nguy cơ cao đã có thể phát hiện được. Và từ đó cho nhập viện sớm trước ngày dự sinh.
Lịch khám thai cho bà bầu (36 tuần): Dự đoán thời gian sinh nở
Lịch khám thai cho bà bầu ở tuần thứ 36 để được đón thời gian sinh nở cũng như theo dõi sự phát triển vào những tuần cuối cùng của thai nhi.
Bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm màu nhằm theo dõi Doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn. Thai nhi được đo tim thai và chuyển động thai.
Và bác sĩ sẽ dự báo cân nặng của bé lúc sinh, cũng như sẽ có các tư vấn về dinh dưỡng. Nếu trọng lượng thai nhi không đáp ứng đủ cân nặng chuẩn tại thời điểm tương ứng.
Sau lịch khám thai định kỳ thứ 7 này, thai phụ sẽ khám tiếp tùy theo chỉ định của bác sĩ. Và tình hình thai kỳ (2 tuần/lần hoặc 1 lần/tuần cho tới lúc sinh). Những lần khám thai cuối, bác sĩ thường chỉ khám thông thường, thử nước tiểu và siêu âm.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, việc khám thai định kỳ sẽ biết được sự phát triển của em bé, phát hiện sớm những bệnh lý liên quan đến thai. Các bác sĩ sẽ giúp người mẹ điều chỉnh kịp thời những rối loạn, điều bất thường có thể xảy ra. Ví dụ như tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung do người mẹ ăn uống không đúng cách, huyết áp của người mẹ tăng cao, mẹ tiểu ra đạm, xuất hiện những cơn co giật, có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé…
Sàng lọc thai kỳ xem em bé có bất thường gì không để chấm dứt thai kỳ và đưa em bé ra ngoài sớm.
Để đảm bảo an toàn cho em bé, bác sĩ sẽ cho người mẹ chích ngừa, điều chỉnh thuốc cũng như chế độ ăn cho mẹ, tiêm phòng uốn ván rốn cho em bé...
Phong Linh