Ngày 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã sải bước qua biên giới tới khu phi quân sự Bàn Môn Điếm để gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Với những ai quan sát biến động ở bán đảo Triều Tiên trong suốt hàng chục năm qua, một bước đi nhỏ của ông Kim được ví như bước tiến “khổng lồ” sau hơn nửa thế kỷ xung đột.
Đặc biệt hơn, người ta còn chứng kiến Tổng thống Moon nắm tay Chủ tịch Kim bước lại về phía Bắc như một hành động chứng minh rằng: Bậc ngăn cách chia rẽ hai miền giờ đây không còn ý nghĩa.
Trong suốt cả ngày hôm đó, hai nhà lãnh đạo gặp nhau trực tiếp tại Khu phi quân sự (DMZ). Họ mỉm cười, trao nhau những cái ôm thân tình. Vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử, họ cùng nhau công bố những mục tiêu cao cả mà cả thế giới cùng quan tâm.
Báo chí Hàn Quốc và cả ở Triều Tiên tràn ngập những bức ảnh Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có với nhau những cử chỉ thân tình nơi biên giới quân sự căng thẳng, vốn từ lâu được coi là biểu tượng chia rẽ bán đảo.
Bà Ri Chun Hee xuất hiện trên sóng truyền hình 30 phút để đọc tin tức về những thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được trong cuộc gặp lịch sử ngày hôm đó. Có lẽ, chưa một ai từng nghĩ, đến một ngày nữ phát thanh viên 74 tuổi sẽ khẳng định với người dân và cả thế giới biết rằng: Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa
Trên sóng đài truyền hình Trung ương Triều Tiên, nữ phát thanh viên kỳ cựu Ri Chun Hee một lần nữa xuất hiện trong một bản tin tối mà nhiều người dân trông đợi. Nhưng lần này, bà không ở đó để thông báo về thành công của một vụ thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa bằng chất giọng khàn đặc trưng như mọi khi.
Đó là một thông điệp dành cho người dân Triều Tiên về mục tiêu chiến lược đã hoàn thành. Đồng thời nó cũng là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến thế giới bên ngoài, đến với những người luôn hoài nghi về ý định của Triều Tiên từ trước khi Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra, rằng đây sẽ là thời điểm mà Bình Nhưỡng thay đổi thực sự. Một sự thay đổi hướng tới hòa bình.
Chia cắt đau thương
Năm 1945, Thế chiến II kết thúc, cũng là lúc chấm dứt sự cai trị của Đế quốc Nhật Bản lên bán đảo Triều Tiên. Trong một đề nghị bị hầu hết người Triều Tiên phản đối, bán đảo Triều Tiên tạm thời bị chia đôi thành hai miền bởi vĩ tuyến 38, với miền Bắc được đặt dưới quyền quản lý của Liên Xô, còn miền Nam do Mỹ kiểm soát.
Giải pháp tạm thời này sau đó tạo ra sự đối nghịch giữa hai quốc gia nhưng cùng một dân tộc. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25/6/1950, khi quân đội Triều Tiên tràn xuống tấn công quân Hàn Quốc ở phía Nam nhằm thống nhất bán đảo bằng vũ lực. Sau ba năm, chiến cuộc tạm ngưng khi hai miền đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 27/7/1953.
Thỏa thuận đảm bảo chấm dứt sự thù địch và hoạt động của mọi lực lượng vũ trang trên bán đảo Triều Tiên cho đến khi một hiệp định hòa bình cuối cùng đạt được.
Cũng chính vì không có hiệp định hòa bình chính thức nên hai miền bán đảo trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh cho đến tận ngày nay.
Một vùng phi quân sự (DMZ) được canh phòng dày đặc trên vĩ tuyến 38 trở thành biểu tượng chia cắt bán đảo. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn tiếp tục đầu tư rất lớn cho quân đội, trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì lực lượng 28.000 quân tại Hàn Quốc.
65 năm, không có hòa bình và rất nhiều thay đổi đã diễn ra với hai nước kể từ đó.
2 hội nghị trong lịch sử
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những động thái giảm nhiệt như ký thỏa thuận kiềm chế các hành động sử dụng vũ lực hay cam kết hợp tác hướng tới hòa giải vào năm 1991. Tuy nhiên, tình hình leo thang vào năm 1992, khi Mỹ bắt đầu cáo buộc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân bí mật.
Năm 2000, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung bay tới Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
Hội nghị thượng đỉnh năm 2000 là sân khấu đầu tiên của chính sách “Ánh Dương” mà phe tự do ở Seoul muốn hướng tới. Trong đó chính quyền Tổng thống Kim Dae-jung mong mỏi sẽ làm nồng ấm trở lại quan hệ với Triều Tiên và từng bước giúp Bình Nhưỡng thoát khỏi cô lập.
Thời điểm nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau vào tháng 6/2000, Hàn Quốc đã thể hiện tấm chân tình bằng quyết định gửi hàng trăm ngàn tấn lương thực cho người anh em miền Bắc mỗi năm.
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên đã kết thúc với bản “Tuyên bố chung liên Triều ngày 15/6” được hai bên ký kết, trong đó khẳng định hai miền Nam-Bắc nhất trí sẽ cùng hợp sức để tự giải quyết vấn đề thống nhất với tư cách là những người cùng chung dân tộc và là chủ nhân của bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, Hội nghị cũng mang lại những bước tiến khác nhằm cải thiện quan hệ, bao gồm cả chương trình đoàn tụ cho khoảng 16.000 người dân hai miền bị chia cắt do chiến tranh. Một khu phức hợp nhà máy ở thị trấn Kaesong và một khu nghỉ dưỡng ở Mount Kumgang, Triều Tiên đã đi vào hoạt động từ năm 1998 với nguồn vốn đầu tư phát triển từ Hàn Quốc.
Tổng thống Kim Dae-jung năm đó đã được trao giải Nobel Hòa bình cho những đóng góp lớn lao của ông đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Nhưng đến năm 2007, cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai diễn ra với nhiều trắc trở dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun. Trước thời điểm đó, Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, đặt ra những câu hỏi về nỗ lực của Hàn Quốc trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Với khả năng phe bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới, ông Roh xem cuộc gặp lần này là cơ hội để định hình tương lai của mối quan hệ hai miền Nam- Bắc trước khi nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình kết thúc.
Trước những lo ngại mới về vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, Tổng thống Roh hiểu rằng phe bảo thủ đã có một ý tưởng rất khác về cách tiếp cận với Triều Tiên, mà trong đó sẽ chỉ có “áp lực, trừng phạt và Chiến tranh Lạnh".
Để tránh mọi công sức gây dựng đổ bể, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã thực hiện những nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn nguy cơ thù địch trở lại giữa hai miền. Ông đến Triều Tiên trong Hội nghị Thượng đỉnh lần hai và ký rất nhiều thỏa thuận về phát triển kinh tế, hợp tác hai miền.
Đúng như viễn cảnh đã dự đoán, phe bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo và chính sách “Ánh Dương” của phe tự do bị dừng lại vào năm 2010. Chính quyền của phe bảo thủ những năm sau đó gần như gác lại toàn bộ các kết nối giữa Hàn Quốc với Triều Tiên được gây dựng trong suốt thập kỷ trước đó.
Seoul tăng cường các hoạt động quân sự chung với Mỹ và dần lơ là mục tiêu tái hòa hợp dân tộc. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tiếp tục mục tiêu phát triển vũ khí chiến lược nhằm bảo vệ đất nước trước sự hiện diện ngày càng tăng của Washington ở Đông Bắc Á.
Những cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa liên tục diễn ra với đỉnh điểm vào năm 2017, khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Trước sức ép từ miền Bắc, Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng không THAAD trên lãnh thổ của mình.
Những cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều diễn ra sau đó đã khiến cho bất kỳ ai lạc quan nhất cũng phải lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến hạt nhân khốc liệt nổ ra ở châu Á.
Di sản kế thừa
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 diễn ra ở Bàn Môn Điếm, không ít sự quan ngại cho rằng cuộc gặp mới giữa hai miền Triều Tiên sẽ chỉ là một cuộc gặp “hình thức” và những mục tiêu của nó sớm bị cản trở như hai hội nghị trước.
Nhưng giờ đây, nền móng xây dựng từ năm 2007 của Tổng thống Roh có thể được Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un “hồi sinh” trở lại, bao gồm các kế hoạch giảm xung đột ở các vùng bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, nơi các cuộc đụng độ nguy hiểm giữa hai nước luôn diễn ra.
Niềm tin này là hoàn toàn khả quan khi một trong những di sản quan trọng nhất từ năm 2007 của chính quyền Tổng thống Roh Moo-hyun chính là Tổng thống hiện tại – ông Moon Jae-in.
Cách đây 11 năm, ông Moon Jae-in là người tháp tùng Tổng thống Roh đến Bình Nhưỡng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh. Hơn ai hết, nhà lãnh đạo Hàn Quốc hiện tại là người kế thừa ý chí của người bạn thân năm xưa (ông Moon Jae-in là Chánh văn phòng Tổng thống dưới thời ông Roh Moo-hyun) sẽ rút ra những bài học từ thành công và thất bại của hai hội nghị trước đó, nhằm tháo gỡ nút thắt trong quan hệ liên Triều.
Sự gần gũi giữa Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim Jong-un - từ cái bắt tay, nụ cười, các cuộc trò chuyện riêng, cho đến từng cái ôm dành cho nhau - đều khiến công chúng nhớ lại hình ảnh các nhà lãnh đạo hai nước trong những năm 2000 và 2007, thắp lên những niềm hy vọng mới.
Mùa xuân "ấm áp"
Lim Yea-won - nhân viên đường sắt ở Thủ đô Seoul cảm thấy rất ấn tượng trước hình ảnh hai nhà lãnh đạo mỉm cười và bắt tay nhau trên đường biên giới quân sự ở Bàn Môn Điếm. "Tôi cảm thấy ngập tràn cảm xúc, bởi Triều Tiên đang ở rất gần", cô gái 29 tuổi chia sẻ.
"Ông tôi sống ở Triều Tiên và chúng tôi đã không được gặp nhau từ lâu", cô nói thêm, "có lẽ lúc này ông vẫn còn sống và chia sẻ cùng cảm xúc này với tôi". Lim tin rằng công việc của cô ở nhà ga sẽ trở nên rất bận rộn, nhưng là điều đáng vui mừng khi cuối cùng hai miền Triều Tiên đã tái hợp trở lại.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm, các nhà hàng bán mì lạnh kiều mạch ở Hàn Quốc lập tức "cháy hàng" sau khi người dân nước này muốn thưởng thức món mì đặc trưng của Triều Tiên - món quà từ biên giới phía Bắc mà Chủ tịch Kim Jong-un dành tặng cho Tổng thống Moon Jae-in trong bữa tối của hội nghị.
Có lẽ đã từ rất lâu mới có một sự kiện chính trị lại được nhiều người dân Hàn Quốc quan tâm đến thế. Bấy lâu nay, họ đã mệt mỏi với những câu chuyện bê bối, tham nhũng, quan chức bị bắt, diễn ra gần như mỗi ngày và khao khát chờ đợi những thay đổi mới.
Ngay cả những chàng trai thuộc thế hệ trẻ cũng tìm thấy sự kết nối của mình với cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc-Triều Tiên và có những điều để hy vọng. "Tôi chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, vì vậy tuyên bố chấm dứt chiến tranh là điều gây chú ý đối với tôi", Lee Lu-da, một sinh viên đại học 24 tuổi ở Seoul cho biết.
Ở Hàn Quốc, mọi nam thanh niên đều phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong thời gian ít nhất 21 tháng trước khi bước sang tuổi 30, một điều được cho là minh chứng rõ nét cho tình trạng chiến tranh chưa kết thúc đối với Triều Tiên.
"Bố tôi từng nói rằng, tôi sẽ sống ở một đất nước thống nhất khi tôi lớn lên", Sun Seung-bum, 25 tuổi, hiện đang tham gia chương trình học kỳ quân sự cho biết.
Xóa nhòa khoảng cách sau bao năm chia cắt trên bán đảo Triều Tiên sẽ không phải là một điều dễ dàng, hay nhanh chóng nhưng có những kỳ vọng khác vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thành công sẽ dẫn tới những bước tiến thực sự trong việc chấm dứt quân sự hóa trên bán đảo, cho phép sự hòa nhập của Triều Tiên ra thế giới.
Với chiến lược đúng đắn và dưới sự lãnh đạo sáng suốt của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, nhiều người đã mơ về một miền Triều Tiên thống nhất, cùng tồn tại bằng một cách nào đó.
Sự sắp xếp này được cho là sẽ thích hợp hơn với bối cảnh hiện nay và có thể giúp người dân hai miền sớm thực hiện được ước vọng cho một quốc gia thống nhất, một nhiệm vụ mà các cường quốc năm xưa đã từ chối họ.
“Chúng ta tạm biệt mùa đông lạnh giá trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đó là một cơn ác mộng, và hôm nay chúng ta công bố với toàn thế giới sự bắt đầu của một mùa xuân ấm áp”, câu nói của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ là sự mở đầu cho một hy vọng mới, niềm tin mới, về một mùa xuân lần đầu tiên trên bán đảo sau 65 năm.
Quốc Vinh