Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: Một nửa sự thật đang ở đâu?

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: Một nửa sự thật đang ở đâu?
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm là vấn đề nóng trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2, TP.HCM. Người dân cho rằng, việc thất lạc bản đồ tỉ lệ 1/5.000 sẽ gây thiệt thòi lớn cho người dân.

Nhà nước cần phải có cuộc thanh tra toàn diện về dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bà Lê Thị Bạch Tuyết, người dân  ngụ tại đường Lương Định Của, quận 2 : “Người dân Thủ Thiêm rất thiệt thòi nếu bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bị thất lạc. Theo đó, qua bản đồ tỉ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ mới biết ranh nào thu hồi đất của người dân.”

Cũng theo bà Tuyết, người dân liên hệ cơ quan chức năng hỏi về tấm bản đồ tỉ lệ 1/5.000 để biết ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhằm biết chính xác thông tin đất của mình có nằm trong diện quy hoạch hay không. Tuy nhiên, bộ Xây dựng cho rằng căn cứ vào quyết định 6565 của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ký, thì làm sao thay thế bằng Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ?

Cùng quan điểm với bà Tuyết, ông Đặng Văn Truyền, phường An Phú, quận 2 cho biết, gia đình ông có đất nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn bị cưỡng chế, giải tỏa và đẩy ra khu tạm cư sống ở khu vực nhếch nhác, chật vật khó khăn.

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: Một nửa sự thật đang ở đâu?
Người dân Thủ Thiêm rất bức xúc khi bị thu hồi đất ngay cả khi đất nằm ngoài ranh quy hoạch.

Ông Truyền cho rằng, tấm bản đồ tỉ lệ 1/5.000 là cơ sở để xác minh mốc, ranh giới quy hoạch khi tiến hành giải tỏa. Thế nhưng, qua nhiều năm nay, người dân mong mỏi được giải thích, được làm việc rõ ràng và được tận mắt xem tấm bản đồ này để biết đất nhà mình có bị quy hoạch hay không nhưng không có. Và, mới đây, thông tin tấm bản đồ này thất lạc khiến cho người dân thêm bức xúc.

Ông Truyền mong muốn Nhà nước cần phải sớm làm rõ vụ việc, giải quyết sớm để cuộc sống người dân Thủ Thiêm vốn có đất nhưng bị cưỡng chế trái phép sớm được ổn định cuộc sống.

Ông Lê Văn Lung, phường Bình An, quận 2 cho biết, năm 1995, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức đều thuộc huyện Thủ Đức nhưng năm 1997, huyện Thủ Đức được tách ra thành 3 quận như trên. Lúc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, trên bản đồ thể hiện rõ khu dân cư thuộc 3 phường An Khánh, Bình Khánh, Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch.

Đến năm 2005, UBND quận 2 đột nhiên cho rằng các hộ dân khu vực chúng tôi nằm trong ranh quy hoạch và bị thu hồi, cưỡng chế đất trái pháp luật. Từ đó, người dân bức xúc, khiếu nại gay gắt kéo dài giữa người dân và chính quyền.

Từ kết luận đó, việc mâu thuẫn đất đai kéo dài, nhiều năm nay, người dân Thủ Thiêm đã trải qua cuộc sống rất cơ cực. Thậm chí họ phải vay mượn tiền để ra tận Hà Nội khiếu kiện. Người dân Thủ Thiêm có nguyện vọng sớm được Nhà nước giải quyết làm rõ, có chính sách đền bù giải tỏa thỏa đáng để cuộc sống của họ được ổn định.Đến năm 2009, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân giải quyết vụ việc. Cuối cùng ông Tín kết luận tại Thông báo số 561/TB-VP ngày 4/8/2009: “Khu dân cư thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh được xác định nằm ngoài ranh khu vực quy hoạch. Nhưng “không có nghĩa là nằm ngoài ranh thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm”.

Ông Lung khẳng định, việc thất lạc bản đồ tỉ lệ 1/5.000 là thiệt thòi cho người dân rất lớn. Cần phải sớm điều tra, làm rõ vụ việc này. “Tôi cho rằng, 13 tấm bản đồ mà ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM vừa công bố là có phần chính xác. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa sự thật”.

“Hiện, người dân chúng tôi vẫn nắm nhiều hồ sơ, tài liệu chứng cứ về vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Và, Nhà nước cần có cuộc thanh tra toàn diện để làm rõ vụ việc này. Không thể có chuyện thất lạc bản đồ dễ dàng như thế”, ông Lung tiết lộ thêm.

Lành Nguyễn

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.15996 sec| 634.242 kb