Từ nạn nhân thành… “bà trùm”
Địa điểm gặp mặt “check hàng” được L. (em gái T.D) tận tình hướng dẫn là một căn phòng trọ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - nơi mà L. ở cùng chồng và cậu con trai khoảng 8 tuổi. Các cô gái cũng được trú tạm ở đây trước khi vượt biên.
Khác với thái độ e dè, cảnh giác khi liên lạc qua điện thoại, L. tiếp khách với trang phục khá thoải mái, ngồi ngay trên chiếc giường kê giữa phòng rồi liến thoắng: “Em được chị T.D giới thiệu qua chỗ chị để nghe tư vấn đúng không?”.
Nói rồi, L. nhanh nhẹn: “Chị T.D đã nói rõ cho em nghe chưa? Hiện giờ chị T.D đang ở Quảng Châu (Trung Quốc) nên chị sẽ nhận và lo cho các em đi”.
Chưa đi ngay vào vấn đề chính, để tăng độ tin tưởng, L. kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện vô cùng “cảm động”.
Trước đây, hoàn cảnh của L. vô cùng khó khăn, đi làm nhưng không đủ tiền gửi về cho gia đình. Lăn lộn mãi mà của ăn không thấy, của để chẳng ra, L. được một người bạn quen qua mạng giới thiệu “nghề” mang thai hộ, đặc biệt mang thai bên xứ người mới được tiền cao.
Ban đầu L. cũng khá lo sợ vì thân gái một mình, nhưng vì mong muốn đổi đời, cô quyết đánh liều vượt biên, chấp nhận xa gia đình một thời gian để mang thai hộ một gia đình người Trung. Chuyến đi của L. thuận buồm xuôi gió nên đã mang được một số tiền khá lớn để trang trải cho gia đình.
“Đấy, bản thân chị cũng từng đi mang thai hộ, sau đó vài lần bán trứng, nhờ thế mà chị mới quen biết ông chủ bên đó, mới có cơ hội đưa các em đi kiếm tiền. Thế nên đừng lo, người có kinh nghiệm như chị không để các em thiệt đâu mà sợ”, L. quảng cáo.
Để củng cố niềm tin với các “con mồi”, L. cho chúng tôi xem ảnh trước đây mình đi mang thai hộ, con trai, và những cô gái trẻ đẹp đang ở bên xứ người để bán trứng.
Thấy chúng tôi có vẻ tin và muốn được giống như L., người phụ nữ này bắt đầu nói đến việc làm thế nào để được đi, đi bao lâu thì về: “Tùy theo chu kỳ kinh nguyệt của em, nếu em căn ke sang bên đó mà đúng chu kỳ thì làm 17 ngày xong. Sức khỏe tốt em có thể xin về luôn, còn nếu không tốt ở lại truyền thuốc, truyền dịch. Vấn đề tiền bạc không lo vì họ (người Trung Quốc - PV) sẽ trả cho mình”.
“Nếu em đồng ý, chị sẽ đưa em đi đến phòng khám quen lâu năm để kiểm tra em có đủ nang trứng hay không? Chi phí khám 2 triệu đồng bên chị lo. Lý do để khám trước ở bên này đó là sợ mình sang bên kia không đủ nang trứng thì mình lại mất công đi về mà tiền chẳng có. Khám, xét nghiệm trước như thế đỡ vất vả cho cả đôi bên. Nếu khám cho em không đủ 16 nang trứng thì chị sẽ không nhận”, L. khẳng định.
“Cò” buôn trứng còn dặn dò với “con mồi” chỉ cần “bán trứng” thành công là sẽ có tiền chuyển về tài khoản bởi cầm tiền mặt lên xe sợ sẽ có chuyện không hay xảy ra.
Cuộc nói chuyện không chỉ xoay quanh tấm gương “làm giàu không khó”, L. không quên cảnh báo: “Khi chị đã mất công đưa các em đi khám mà đủ nang trứng là chị không cho về mà ở cùng với chị luôn. Nhưng nếu em chưa xin phép được gia đình, chị sẽ cho em về. Đúng thời gian giao hẹn em thu xếp đồ lên để chị đưa đi. Chị nói thẳng, không sợ em sợ nếu em có trốn em cũng không trốn được vì toàn cộng tác viên của chị. Trừ khi em không làm ngành này nữa”.
Vượt biên tốn 13 triệu, trước nay chưa ai bị bắt
Theo lời của L., khi chúng tôi đồng ý làm các thủ tục xét nghiệm và đủ nang trứng để hiến thì L. sẽ đưa chúng tôi sang đến cửa khẩu Lạng Sơn. Từ cửa khẩu Lạng Sơn sẽ có người từ bên Trung Quốc đón sang an toàn.
“Chị sẽ nói hết quá trình đi, được thì đi còn không thì em suy nghĩ để khỏi mất công đi khám. Bởi khám nang trứng mỗi lần khám là hết hơn 2 triệu đồng, khám xong em mới nói không đi là chị chết tiền. Không chỉ có mình các em đi đâu, chuyến này của chị cũng khoảng chục bạn, ai cũng muốn kiếm tiền để thay đổi cuộc sống, ở mình kiếm tiền vất vả lắm”, L. nói.
Thấy "con mồi" vẫn tỏ thái độ lo lắng về cuộc sống bên kia biên giới, L. nói rằng, sang bên kia toàn bộ chi phí đường dây của L. lo hết. Mọi người sẽ được ở cùng nhà với người Việt, có phiên dịch viên nên không ai phải sợ. Không chỉ có người bán trứng mà ngay tại bên Trung, trong đường dây của L. còn có cả người mang thai hộ.
Tuy nhiên, L. chỉ có trách nhiệm đưa “con mồi” đến cửa khẩu tại Lạng Sơn: “Chị nói thẳng là bọn chị không đi bằng visa mà đi theo đường biên. Chị sẽ đưa tới Lạng Sơn, gửi xe đi qua một con đường biên (đường rừng) sau đó đi qua trạm, tiếp đến lên xe ô tô giường nằm và tới Quảng Châu. Tới Quảng Châu thì tự khắc nhà xe sẽ điện người ra đón. Vì đường dây của chị đã 4-5 năm rồi, đi theo một quá trình rồi nên đi tới đâu cũng có người đón, em không phải lo vấn đề đi lại đâu.
Ai đến đây chị cũng phải tư vấn và nói kỹ lưỡng, đồng ý thì chị đưa đi khám còn không đồng ý thì đi về chứ chị không ép buộc. Bởi, khi quyết định đi là gian nan lắm chứ không phải ngồi trên xe là tới nơi luôn. Vì xin visa không kịp làm lâu lắm. Người đi visa tốn 1 triệu đồng còn đi đường biên một người tốn 5 triệu đồng. Một người chị đưa đi là tốn khoảng 13 triệu đồng cả đi và về. Chị sẽ bao tiền xe cho em lúc đi và lúc về thì chỉ bao đến Lạng Sơn thôi, còn lại em tự túc”.
Cũng nói về trường hợp rủi ro trong quá trình vượt biên, L. lại chia sẻ thêm: “Còn trường hợp rủi ro, bị bắt thì tầm 3, 4 hôm người bên chị sẽ tìm cách chuộc ra và sẽ bồi dưỡng thêm. Cái đó là nói xui thôi chứ từ trước đến nay chưa có ai bị sao. Vì ngày lễ, ngày Tết nhà xe sẽ báo là không nhận người. Vì nếu người đi trên xe bị bắt thì lái xe sẽ bị giam 1 năm vì đưa người vượt biên. Nếu ai hỏi em là đi đâu thì em cứ nói sang bên kia làm công nhân. Khi em quyết định đi, chị sẽ mua cho 4,5 người đi mỗi người một chiếc sim để lên xe liên lạc với người bên Trung Quốc sẽ có người tự động đón”.
Chưa hết, L. còn nói đường dây của cô còn có cả dịch vụ bán trứng và mang thai hộ ở Thái Lan và Campuchia nên việc đảm bảo sức khỏe cho người bán trứng luôn được đặt lên hàng đầu. “Nếu hiến nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, như thế thì chị không làm”, L. quả quyết.
Hướng dẫn xong các thủ tục, L. thúc giục PV đi khám ngay tại phòng khám quen thuộc để kịp thời gian đi cùng những “con mồi” khác.
Nhóm PV