Như PhapluatNet đã thông tin về việc khách hàng của Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm Hàng Không (VNI) mua bảo hiểm ô tô tại đây nhưng khi xảy ra tổn thất phải chờ đợi gần 7 tháng qua vẫn chưa được bồi hoàn mà PhapluatNet đã thông tin trong bài “Bảo hiểm Hàng không (VNI): Hơn 6 tháng vẫn chưa bồi thường cho khách hàng”. PV PhapluatNet đã có buổi làm việc với ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Ban nghiệp vụ 2 của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng Không (VNI) để làm rõ các vấn đề liên quan.
Theo ông Tùng, sở dĩ việc bồi hoàn chậm là do việc đàm phán về chi phí sửa chữa mất rất nhiều thời gian. Chiếc xe ô tô 30A- 657.xx do anh Trung điều khiển tham gia Bảo hiểm Hàng không có điểu khoản bổ xung BS01 – Bảo hiểm thay thế mới (không trừ khấu hao vật tư, phụ tùng thay mới) và theo quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới của VNI ban hành theo quyết định số 80/2015-QĐ-BHHK thì không có điều khoản bảo hiểm lựa chọn cơ sở sửa chữa chính hãng.
Trong khi đó, anh Trung lại đem xe vào cơ sở sửa chữa sửa chữa chính hãng là Công ty cổ phần ô tô Thành Công Ninh Bình, một đại lý chính hãng của Hyundai Thành Công. Do vậy, việc sửa chữa xe của anh Trung nằm ngoài một số quy định liên quan đến hợp đồng nên Công ty bảo hiểm Hàng không sẽ phải đàm phán giá trị sửa chữa thay mới theo chi phí hợp lý thực tế của thị trường. “Tức là giá thị trường mà người ta có thể sửa chữa khắc phục được chiếc xe đó”, ông Tùng cho biết.
“Chúng tôi có những đơn vị mà người ta có thể sửa chữa được với chi phí như vậy, họ có cam kết về bảo hành, về chất lượng sửa chữa, về dịch vụ sửa chữa cũng như phụ tùng sửa chữa…và khi chúng tôi thực hiện việc giải quyết bồi thường đối với khách hàng thì chúng tôi sẽ tham khảo giá của những đơn vị mà chúng tôi có hợp tác”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Thế nào là giá thị trường? Và sẽ căn cứ vào đâu để biết được phụ tùng đó là hàng chính hãng chứ không phải hàng nhái, hàng kém chất lượng?
Về vấn đề này, ông Tùng có giải thích như sau: “Có nhiều kênh nhập phụ tùng khác nhau, người ta cung cấp thì người ta phải cam kết về nội dung đó (Phụ tùng chính hãng – PV). Khách hàng có quyền kiểm tra, ký kết nghiệm thu vào Hợp đồng sửa chữa thì lúc đấy Hợp đồng sửa chữa mới có hiệu lực”.
Khách hàng có quyền kiểm tra về việc bên sửa chữa sẽ thay thế cho chiếc xe của mình phụ tùng như thế nào chứ không có chuyện phụ tùng nhái, phụ tùng không rõ nguồn gốc được các cơ sở có hợp tác với Bảo hiểm hàng không thay thế cho chiếc xe của mình.
Về vấn đề này anh Đỗ Đức Trung, người điều khiển chiếc xe bị tai nạn cho biết: “Khi tai nạn xảy ra, tôi phải gọi cứu hộ kéo xe về gara gần nhất và báo với bên Bảo hiểm, nhưng chờ đợi hơn một tháng mà Bảo hiểm không cho người giám định tai nạn cho tôi. Việc để xe ở chỗ người ta (Công ty cổ phần ô tô Thành Công Ninh Bình - PV) hơn một tháng rồi lại kéo đi nơi khác sửa chữa thì cũng không hay nên tôi quyết định để lại sửa chữa thay thế phụ tùng cho chính hãng. Với lại, tôi là công chức chứ không phải thợ sửa xe ô tô nên phụ tùng chính hãng hay không làm sao tôi biết được? do vậy, tôi để xe ô tô vào chính hãng sửa chữa cho yên tâm”.
“Mặc dù tôi đồng ý bỏ ra 40 triệu (Hyundai Thành Công báo giá sửa chữa 115.352.200 VNĐ, Bảo hiểm Hàng không duyệt chi 75.431.500 VNĐ) thêm vào để sửa chữa chiếc xe nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm Hàng không vẫn chưa chuyển tiền cho tôi để tôi lấy xe ra khỏi gara”, anh Trung cho biết.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
Vũ Sơn