Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bảo hiểm hàng không VNI: Vì sao khách hàng bị chế tài 50% số tiền sửa chữa?

Bảo hiểm hàng không VNI: Vì sao khách hàng bị chế tài 50% số tiền sửa chữa?
Đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày khách hàng xảy ra tai nạn nhưng đến nay, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không VNI và khách hàng vẫn chưa thống nhất được phương án sửa chữa khiến khách hàng rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” sau khi gặp sự cố.

PhapluatNet có nhận được đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn T.S trú tại Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội phản ánh về việc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không VNI chậm trễ trong việc bồi thường thiệt hại cho ông khi có tổn thất xảy ra.

Bảo hiểm hàng không VNI: Vì sao khách hàng bị chế tài 50% số tiền sửa chữa?
Đơn Khiếu nại của anh Nguyễn T.S gửi tới các Cơ quan liên quan và Cơ quan Thông tấn báo chí.

Nội dung sự việc anh S thể hiện trong đơn: “Vào khoảng 1h30 sáng ngày 15/12/2019, tôi điều khiển xe ô tô mang nhãn hiệu TOYOTA VIOS lưu thông trên tuyến đường Phan Văn Trị, Quận Gò Vấp, TP. HCM. Khi lưu thông đến khu vực đối diện Đa Khoa Anh Minh (địa chỉ số 15 – 16 đường Phan Văn Trị, phường 7, Quận Gò Vấp, TP.HCM) do đường tối, khuất tầm nhìn và bị đèn pha xe hơi đi ngược chiều rọi vào mắt nên tôi có giật mình, bị mất lái dẫn đến đâm, va chạm với trụ bê tông phân cách làn đường nên xe bị hư hỏng nặng.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, tôi có đến số Hotline ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng thuê bao số điện thoại không liên lạc được. Vụ va chạm đã gây cản trở giao thông nên sau khi chụp lại toàn bộ ảnh hiện trường, tôi đã gọi xe cẩu đến để di chuyển xe về Gara 79 tại đường Thành Thái, Quận 10, TP. HCM để sửa chữa. 

Đến khoảng 8h sáng, tôi liên hệ lại số Hotline thì mới có người nghe máy, và yêu cầu tôi chuyển toàn bộ hình ảnh hiện trường vụ tai nạn để xác nhận vụ việc rồi chuyển thông tin đến bộ phận thẩm định của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không VNI tại TP.HCM để tiếp nhận, xử lý.

Ngày 8/1, Gara 79 có chuyển đến tôi đề xuất phương án sửa chữa với tổng chi phí báo giá sữa chữa là 115.530.000 VNĐ, VNI Sở GD duyệt giá bảo hiểm với mức 85.200.000 VNĐ kèm theo chế tài 50% số tiền sửa chữa (tôi phải đóng thêm số tiền là 42.100.000 VNĐ theo bản báo giá sơ bộ của Gara gửi cho tôi) trong khi chưa tôi chưa có bất kỳ buổi làm việc nào với đại diện của công ty bảo hiểm. Không rõ công ty bảo hiểm VNI dựa vào đâu để đưa ra đánh giá, thẩm định, duyệt giá bồi thường cho khách hàng khi chưa có sự chứng kiến của đại diện bên có tài sản bị thiệt hại?.

Sau rất nhiều lần liên hệ qua số Hotline thì đến nay đã gần 2 tháng trôi qua tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin liên hệ nào từ phía Công ty bảo hiểm hàng không VNI tại TP.HCM để , hướng dẫn tôi xử lý đối với tài sản bị thiệt hại”, anh T.S nêu trong đơn.

Chia sẻ với PV, anh S chán nản: “Tôi đã từng mua bảo hiểm tài sản tự nguyện của rất nhiều đơn vị bảo hiểm nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên tôi gặp phải tình cảnh éo le này. Có lẽ do thiệt hại tài sản của khách hàng lớn nên công ty bảo hiểm mới đưa ra các quy tắc để khách hàng chán nản mà chấp nhận việc phải bỏ ra 50% thiệt hại”.

Bảo hiểm hàng không VNI: Vì sao khách hàng bị chế tài 50% số tiền sửa chữa?
Hợp Đồng bảo hiểm xe ô tô của anh Nguyễn T.S.

Để rộng đường dư luận, PV cũng đã liên hệ với đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không VNI, Sở Giao dịch số 2 tại TP.HCM để cập nhật thông tin về sự việc khách hàng phản ánh. Tại buổi làm việc với PV, ngày 15/1/2020, ông Quang – Chuyên viên Ban Giám định bồi thường Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không VNI, cho hay: “Về nội dung khách hàng nói vào lúc 1h30 sáng có gọi cho số Hotline để thông báo nhưng không được thì bên em có kiểm tra và trích xuất lại trên các cuộc gọi đến của Sở giao dịch ở ngoài Hà Nội thì không có cuộc gọi nào vào thời điểm xảy ra tổn thất như khách hàng thông báo, mà đến sáng hôm sau thì mới thông báo lại cho Sở giao dịch…”.

Ngoài ra, ông Quang cũng cho biết thêm: “Sau khi xe đã được kéo về đơn vị sửa chữa thì ngay ngày hôm sau đã có cán bộ của VNI Sài Gòn phối hợp với bên Gara và anh lái xe đó giám định chi tiết thiệt hại và đã xử lý ngay chứ không phải để lâu. Sau đó, đến ngày 20/12/2019 thì đơn vị sửa chữa mới ra một bảng báo giá để gửi về ngoài kia. Và từ ngày 23/12/2019 đến ngày 07/01/2020 Sở giao dịch có gửi thông báo duyệt giá vào cho đơn vị sửa chữa và gửi tới khách hàng để biết được số tiền duyệt giá sửa chữa là bao nhiêu. Như vậy có nghĩa trong thời gian từ ngày 23/12/2019 đến ngày 08/01/2020 là nằm trong thời gian quy định của bên em, tức là trong 5 ngày đến 20 ngày đã có văn bản gửi về phương án duyệt giá. Và cũng trong thời gian này đã có tới 3 cuộc gọi với khách hàng để cán bộ bảo hiểm giải thích cho lái xe biết chế tài là do thứ nhất trường hợp của anh là không được tự ý di dời khỏi hiện trường, thứ hai anh không có báo ngay cho đơn vị của cơ quan bảo hiểm và không báo cho cơ quan công an để người ta lập hồ sơ vụ việc, những điều đó đều nằm trong điều khoản chế tài giảm trừ ở trong quy tắc bảo hiểm”.

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.

 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.52306 sec| 654.461 kb