Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi phải thông báo cho 270.000 học sinh nghỉ học trong ngày 11/11; đồng thời các ngành chức năng cũng cần lưu ý, khi lũ xuống, nhất định không để người dân, học sinh rủ nhau ra sông vớt củi.
Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cũng có văn bản yêu cầu cho 378.000 học sinh nghỉ học vào ngày 11/11, sau đó tùy tình hình thời tiết sẽ có quyết định tiếp theo. Hiệu trưởng các trường cũng đề phòng tai nạn trên đường học sinh đến trường do bị nước lũ chia cắt, cây xanh, tường rào đổ sập, rò rỉ điện.
Ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh này yêu cầu các đơn vị rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, tuyệt đối không để thiệt hại về người. Mỗi đơn vị phải có lãnh đạo cùng với cán bộ, giáo viên trực tại đơn vị. Các cuộc hội họp, hoạt động ngoại khóa trong hai ngày 10 và 11/11 phải hủy.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã đi kiểm tra công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 6 tại các trường học trên địa bàn huyện Tuy Phước.
Chiều qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa chỉ đạo các trường cho khoảng 280.000 học sinh nghỉ học hai ngày 10 và 11/11. Sau bão, các trường phải tổ chức dạy bù.
Phó chủ tịch Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cũng chỉ đạo cho 270.000 học sinh nghỉ học từ 11/11. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã yêu cầu các trường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, gió lốc trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các trường ở vùng trũng, vùng núi, vùng bãi ngang, vùng thường xuyên sạt lở.
Các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ/ 181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất.
Đến 6h sáng nay tỉnh Phú Yên đã di dời 152 hộ/693 người ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn, chằng chéo 752 phương tiện và 200 nhà dân, 04 trường học; đưa 155 thuyền máy lên bờ; tỉnh Bình Định sơ tán dân khu vực trọng điểm, đặc biệt các hộ dân tại khu vực kè Nhơn Hải.
Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương, di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình hư hỏng, đang thi công và các hồ đã đầy nước, hồ nhỏ;Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thôngnhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển, khu vực qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu…