Ngày 5/8, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III cho biết vừa bắt giữ một container chứa hàng nghìn phụ kiện điện thoại di động, nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có C/O Trung Quốc (Certificate of Origin - Chứng nhận xuất xứ) nhưng khám xét container, lực lượng Hải quan phát hiện hàng nghìn phụ kiện điện thoại được in sẵn trên bao bì, sản phẩm tên tuổi, địa chỉ và cả trung tâm bảo hành của Công ty CP thương mại “TITAN” Việt Nam - một doanh nghiệp trong nước. Thậm chí trên nhiều sản phẩm linh kiện điện thoại nhập từ Trung Quốc có ghi sẵn dòng chữ “Made in Việt Nam” và cả ký hiệu mã vạch của Việt Nam (đầu mã vạch 893).
Theo thông tin thu thập được, lô sản phẩm phụ kiện điện thoại trên được Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX (địa chỉ tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được ủy thác nhập khẩu cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. Khi làm thủ tục nhập khẩu, Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX xuất trình cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu E (xuất xứ Trung Quốc).
Lộ rõ chiêu trò trốn thuế được tính toán tinh vi
Với việc Công ty TNHH MTV Hoàng Bảo Phát IMEX xuất trình C/O Form E của Trung Quốc nên mặc định lô hàng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Trong khi đó nhãn mác sản phẩm thể hiện xuất xứ Việt Nam nên trường hợp nếu công ty bán lô hàng này qua mặt được cơ quan chức năng, bán hết số lô hàng nói trên sẽ được hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) 10%/giá trị lô hàng.
Được biết lô hàng này giá trị hàng tỷ đồng nên nếu không bị bắt giữ và xử lý kịp thời, các doanh nghiệp này đã có thể chiếm đoạt và trốn của nhà nước hàng trăm triệu tiền thuế. Chi cục hải quan Khu vực III, Hải quan Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra thực tế và phát hiện số lượng lớn hàng hóa vi phạm và tạm giữ để xác minh làm rõ.
Chế tài xử lý nào cho doanh nghiệp vi phạm trên?
Vụ việc vẫn còn đang được thanh tra làm rõ về danh tính, hoạt động kinh doanh của công ty nhận hàng có trụ sở tại Hà Nội và phía đơn vị xuất khẩu hàng. Nhưng rõ ràng đây là dấu hiệu của hành vi kinh doanh trốn thuế và tội lừa dối khách hàng.
Không những bị điều tra và xử phạt về tội trốn thuế, với việc ghi nhãn "Made in Việt Nam" doanh nghiệp kinh doanh này còn có thể bị xử phạt được quy định tại Khoản 5 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP với hành vi kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả, gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa:
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.
- Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại khoản 5 Điều này đối với hành vi sản xuất hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5 và 6 Điều này;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này sớm nhất có thể.