Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bầu Đức doạ bỏ bóng đá vì lùm xùm VFF: Ông đã cống hiến những gì?

Bầu Đức doạ bỏ bóng đá vì lùm xùm VFF: Ông đã cống hiến những gì?
Bầu Đức không chỉ là một người làm bóng đá đơn thuần, ông tự tin không thiếu tiền đầu tư cho bóng đá, bởi lẽ những quyết định của ông có sự hậu thuẫn của cả tập đoàn nghìn tỷ đằng sau.

"Tôi chống đối đến cùng việc bầu anh Trần Anh Tú vào ghế phó chủ tịch tài chính VFF và thề danh dự, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ bỏ làm bóng đá ngay lập tức", ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố với cuối giờ chiều 20/3.

Những tranh cãi gay gắt nội bộ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mấy ngày qua vẫn chưa đi đến hồi kết. Đỉnh điểm là khi Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh mời bầu Đức bay ra Hà Nội để gặp riêng tiểu ban nhân sự vào lúc 18 giờ ngày 21/3.

Ông Đức khẳng định luôn: "Tôi không bao giờ ra để gặp gỡ vớ vẩn như thế!

Muốn họp thì phải chính quy, phải có thường trực, phải có các thành viên ban chấp hành. Không thể có chuyện gọi ra dàn xếp cá nhân, hai người nói chuyện với nhau, xin rút này nọ, điều đó không bao giờ xảy ra với tôi".

Bầu Đức doạ bỏ bóng đá vì lùm xùm VFF: Ông đã cống hiến những gì?
Bầu Đức không có tên trong danh sách ứng viên Phó Chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ VIII mặc dù được đề cử.

Trước đó, tiểu ban nhân sự đại hội VFF nhiệm kỳ VIII đã không ghi tên bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB HAGL, đương kim Phó chủ tịch tài chính VFF) trong danh sách ứng viên Phó chủ tịch tài chính khóa tới. Thay vào đó, vị trí Phó chủ tịch tài chính chỉ có duy nhất 1 ứng viên là Chủ tịch VPF Trần Anh Tú "một mình một ngựa".

Theo thông cáo báo chí phát đi chiều 19/3, phía VFF khẳng định Tiểu ban nhân sự đã làm đúng quy trình khi gọi điện với phía HAGL để thông báo hoàn thiện hồ sơ tranh cử nhưng được trả lời rằng bầu Đức không tham gia tranh cử nên không gửi hồ sơ.

Động thái "chữa cháy" của VFF ngày càng khiến dư luận tranh cãi vì lẽ ra, Tiểu ban nhân sự phải làm việc và xác nhận với HAGL bằng văn bản, thay vì "gọi điện" như VFF giải thích.

Bên cạnh đó, dù HAGL không đề cử, việc ông Đức không có trong danh sách ứng viên là vô lý vì không chỉ một mà có tới ba tổ chức thành viên đề cử ông vào vị trí trên, bao gồm CLB futsal Kim Toàn (Đà Nẵng), CLB bóng đá nữ Hà Nam và CLB bóng đá nữ Thái Nguyên.

Bầu Đức doạ bỏ bóng đá vì lùm xùm VFF: Ông đã cống hiến những gì?
Người hâm mộ bóng đá Việt chắc hẳn còn nhớ ai là người đặt nền móng cho thành công của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh ngày nay.

Trong gần 2 thập kỷ làm bóng đá, gắn bó với CLB HAGL, cũng chính bóng đá đã đem lại cả danh tiếng lẫn phiền phức cho phố núi, nhưng cách đam mê bóng đá của ông lại rất khác biệt và chân thành.

Lứa tuyển thủ Công Phượng, Xuân Trường làm nên chiến thắng lịch sử của U23 vừa qua cũng nhờ Học viện HAGL Arsenal JMG mà ra.

Riêng các cầu thủ của tôi, tôi đã ươm mầm nhân cách và tự họ đã chăm sóc mình thành người tử tế, đó là giá trị lớn nhất. Không cha mẹ nào muốn bỏ rơi con mình, huống gì đây lại là những đứa con ngoan và bản lĩnh - Ông Đoàn Nguyên Đức tự hào nói.
Mặt khác, thời điểm 2015 - 2016 vốn là thời điểm khó khăn đối với bầu Đức vì phải tái cơ cấu toàn bộ doanh nghiệp, chấp nhận bán đi mảng bất động sản vốn sinh lời “khủng” rồi đến thủy điện, mía đường… nhưng bóng đá - mảng chỉ tiêu tiền, không mang lại lợi nhuận hay ghi nhận doanh thu, đóng góp cho tăng trưởng tài chính, thì ông lại giữ lại cho bằng được.

Bầu Đức không chỉ là một người làm bóng đá đơn thuần, ông tự tin không thiếu tiền đầu tư cho bóng đá, bởi lẽ những quyết định của ông có sự hậu thuẫn của cả tập đoàn nghìn tỷ đằng sau.  

Báo cáo tài chính của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - nơi ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT cho thấy, niềm đam mê với trái bóng đã "ngốn" của bầu Đức hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đó là chưa kể các khoản chi bất thường cho các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, nâng cao chất lượng tại Học viện, đội ngũ nhân sự quản lý. Nếu tính cả chi phí đầu tư xây dựng, số tiền mà bầu Đức bỏ ra cho bóng đá gần hai mươi năm qua phải tính đến con số hàng nghìn tỷ đồng.

Năm 2016, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận chi 40 tỷ đồng cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Đến năm 2017, con số này tăng lên mức gần 55 tỷ đồng.

Chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL-JMG trong chi phí trả trước dài hạn cũng vẫn còn "treo" hơn 46 tỷ đồng.

Hiện tại, tập đoàn của bầu Đức đang sở hữu 69,85% vốn tại công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai.

Dẫn chứng số liệu như trên để thấy, bầu Đức không thiếu tiền làm bóng đá. Và khi ông "doạ" bỏ, chắc hẳn sẽ nhiều người bỏ theo - như lời ông nói. Khi đó, sự tổn thất cho bóng đá nước nhà nói chung và CLB HAGL nói riêng là điều khó có thể định lượng được.

"Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng tôi quyết theo đuổi tới cùng và không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng", Bầu Đức nói vậy khi được hỏi về việc "đơn thương độc mã" đầu tư lò đào tạo học bóng đá trẻ chuyên nghiệp cách đây 10 năm.

Nhưng ông cũng đã khẳng định chiều qua: "Tôi không thiếu tiền để chơi bóng đá, nhưng tôi không thể ở lại trong một tổ chức lộn xộn như thế này được. Tôi dám tuyên bố một câu, việc này (việc đề cử người vào VFF nhiệm kỳ mới - PV) không giải quyết đến nơi đến chốn, tôi là người bỏ bóng đá trước, và sau đó sẽ nhiều người cùng bỏ. Tôi không chấp nhận ở lại một tổ chức mà mọi thứ bị thao túng".

Ông Trần Anh Tú - ứng viên "một mình một ngựa" cho chức Phó Chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ VIII hiện đang giữ các chức vụ:

1/ Chủ tịch HĐQT VPF

2/ Tổng giám đốc VPF

3/ Trưởng ban điều hành giải V.League

4/ Uỷ viên thường trực VFF

5/ Trưởng ban Futsal

6/ Chủ tịch liên đoàn bóng đá TP.HCM

7/ Chủ tịch CLB Thái Sơn Nam

8/Chủ tịch CLB Bóng rổ Hochiminh City Wings

Hoa Liên

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.17638 sec| 646.32 kb