Mới đây câu chuyện về người mẹ ngủ say đè cả cánh tay vào con dẫn đến con bị ngạt thở, tím tái toàn thân, 40 phút mới phát hiện khiến cư dân mạng hết sức quan tâm.
Theo những thông tin được chia sẻ trên MXH, bé trai là Nguyễn N. A. bốn tháng tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bên cạnh thông tin đau lòng, hình ảnh bé trai bụ bẫm được đăng tải kèm theo lời cảnh tỉnh dành cho các ông bố bà mẹ.
"Chỉ vì phút sơ xảy của người mẹ khi ngủ say đè cả cánh tay vào con dẫn đến con bị ngạt thở, tím tái toàn thân, 40 phút mới phát hiện... Em phải nằm viện đúng 1 tháng, tim phổi ổn định nhưng chết não, 1 tháng nay con sống thực vật... Giờ bệnh viện đã trả về, gia đình chờ để rút ống thở..!!" - câu chuyện buồn của bé N.A. được chia sẻ đã nhanh chóng trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội.
Được biết bệnh án của bé ghi rõ N.A. bị ngạt khi ngủ. Cấp cứu ngừng tim tại bệnh viện Việt Nam Cu ba 40 phút thì có tim trở lại và được chuyển sang bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng hôn mê, giật tay 2 bên, tim đều 160l/p.
Trẻ được thở máy, hồi sức tích cực. Sau 25 ngày điều trị, trẻ cai được thở máy, thở oxy. Tuy nhiên, chụp não cho thấy não tổn thương, nhồi máu não đa ổ.
Ngày 19/11, bé N. A. đã được gia đình đưa về nhà. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hy vọng điều kỳ diệu có thể đến với bé.
Nhiều ý kiến bình luận đều chia buồn cùng với gia đình và cảnh báo cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ cần phải cẩn trọng khi ngủ, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Liên quan đến vụ việc trên nhiều bậc phụ huynh đang băn khoăn có nên ngủ cùng trẻ?
Chia sẻ lỗi lo của phụ huynh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Thần kinh Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I cho biết, trẻ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn khi ngủ cùng người lớn. Khi trẻ không may bị đè vào người gây bít đường thở, não không được cấp oxy trong khoảng 3 - 4 phút trẻ hoàn toàn có thể bị tử vong hoặc não bị tổn thương.
“Ở các nước phương Tây có nhiều nghiên cứu khuyến cáo chỉ ra vấn đề trên và đưa ra lời khuyên, cha mẹ nên cho trẻ ngủ giường riêng”, bác sĩ Khanh cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, với đặc điểm văn hoá, người Việt thường cho trẻ sơ sinh ngủ cùng cha mẹ, ông bà… để tiện chăm sóc cho trẻ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, với một số trường hợp đặc biệt, tuyệt nhiên người thân không nên ngủ cùng trẻ. Điển hình như, bố mẹ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc dùng ma túy…
Trong những trường hợp này, bố mẹ thường bị suy giảm nhận thức và ý thức nên không đủ tỉnh táo để chú ý tới con. Bố/mẹ đang vô cùng mệt mỏi hay bị rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ khiến ngủ say và không kiểm soát được hành vi của mình, có thể vô tình đặt chân hoặc tay lên con.
Ngoài ra, khi cho con ngủ chung giường với bố mẹ, trong tình huống không có ai trông chừng con bạn rất dễ bị ngã xuống đất bởi trẻ hiếu động ngay cả khi ngủ, trong khi đó giường của bố mẹ thì không hề có thanh chắn bảo vệ xung quanh để ngăn trẻ ngã xuống đất.
Trường hợp trẻ không bị ngã thì cũng rất dễ bị chăn, ngối đè lên mặt gây nghẹt thở. Các chuyên gia y tế đặc biệt khuyến cáo khi cho con ngủ chung giường cha mẹ nên cẩn thận với những chiếc chăn.
Không chỉ chăn mà gối, đệm mềm, thú nhồi bông cũng là những đồ vật bạn cần phải hết sức thận trọng vì chúng có thể phủ lên mặt, mũi bé, gây ngạt làm tăng nguy cơ đột tử.
Khi đặt bé nằm ở giường của bố mẹ, bạn phải kiểm tra lỗ hổng giữa giường và đệm, tránh nguy cơ bé bị lọt tay, lọt chân vào khe này. Tuyệt đối không đặt bé nằm sấp trên giường của bố mẹ, đặt bé nằm ngửa sẽ tránh được nguy cơ đột tử.
Không chỉ không nên cho bé ngủ chung giường với bố mẹ mà tránh cho bé ngủ cùng với anh chị của bé, nhất là bé dưới 1 tuổi bởi anh chị của bé có thể xoay tứ tung khi ngủ và vô tình đặt chân, tay vào mặt mũi của em. Kể cả khi có bố mẹ ngủ cùng thì những thì nguy cơ này vẫn có thể xảy ra.
Với bé sinh non, bé mới được 6 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn 1 tuổi để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bé bố mẹ nên cho bé ngủ trong cũi đặt cạnh giường của mình.
Bác sĩ cho biết, nếu không may trẻ rơi vào sự cố kể trên, điều cần thiết nhất người thân cần làm là hô hấp nhân tạo để cung cấp oxy cho trẻ và chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
H.A (TH)