Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bé bị mất mũi, bé thủng khí quản vì chó cắn: Hiểm họa từ chó nhà

Bé bị mất mũi, bé thủng khí quản vì chó cắn: Hiểm họa từ chó nhà
Trong lúc đang chơi ngoài sân cùng những chú chó nhà nặng 18-20 kg, bé L. đã bị chó cắn đứt một phần mũi.

Nhi Đồng 1 (TP HCM) ngày 11/1 đang điều trị cho 2 cháu bé bị chó nhà cắn rất nguy kịch. Nạn nhân là bé L.N.T.L. (SN 2016, đến từ Đắk Lắk) được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 0 giờ ngày 4/1 và bé N.T.Đ (SN 2013) được Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi lại chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 3h30 phút ngày 7/1.

Trường hợp bé L, chị Nguyễn Thị Hương, mẹ bệnh nhi, cho biết trưa 3/1 sau bữa ăn cơm thì chị cho 3 con chó ăn. Trong lúc chị dẹp chén dĩa xuống nhà sau thì đứa con cầm que cà phê đang chọc chơi với mấy con chó nhà nặng 18-20 kg ngoài sân.

Bé bị mất mũi, bé thủng khí quản vì chó cắn: Hiểm họa từ chó nhà
Bé L. bị mất một phần mũi

Bỗng nghe con khóc ré lên, chị vội chạy ra sân thì thấy mặt con bê bết máu, một phần lỗ mũi không còn. Con chó lai 2 tuổi mồm dính đầy máu. Chị điếng người nhưng cũng kịp trấn tĩnh đi tìm mũi con thì thấy nó nằm ở một góc sân, nham nhở. Chị vội nhặt phần mũi và da bị đứt rời, bảo quản lạnh và mang theo đến bệnh viện.

Ca phẫu thuật có sự tham gia của một bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ đến từ Trường ĐH Y dược TP HCM. Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai mũi họng, BV Nhi đồng 1 cho biết hiện bệnh nhi đang được dùng kháng sinh mạnh, thay băng, chăm sóc miếng da ghép và tiếp tục theo dõi. Tiên lượng sống còn mũi của bệnh nhi là 50/50.

Trường hợp thứ 2 là bé N.T.Đ. Bệnh nhi này bị vết thương chí mạng ngay cổ cùng hàng loạt vết thương lớn nhỏ khác khắp người do cùng lúc bị 2 con bẹc-giê nhà nuôi tấn công, cắn vào cổ gây thủng khí quản.

Một ca mổ cấp cứu cũng được thực hiện ngay để cứu mạng cháu. mở vết thương ở cổ bệnh nhi cho thấy có thủng khá lớn ở khí quản nên bác sĩ đã may lại. Đến sáng nay, bé chỉ còn phải dẫn lưu một bên phổi. Tuy từng ở lằn ranh sống chết nhưng em bé này lại hồi phục rất tốt.

Hiểm họa từ việc để trẻ chơi với chó nhà

Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận những ca thương tâm do chó cắn. Mỗi năm, con số lên đến hàng chục ca, đa phần là bị chính chó nhà mình tấn công.  

Bé bị mất mũi, bé thủng khí quản vì chó cắn: Hiểm họa từ chó nhà
Bệnh nhi N.T.Đ ở Đồng Nai đang được hồi sức tích cực

Thực tế cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị chó tấn công nhất. Và khi tấn công, mặt, cổ là vùng nguy hiểm vì trẻ đối diện với con chó, chiều cao này phù hợp với chiều cao con chó. Khi một em bé khóc và không có sự giám sát của người lớn, con chó ban đầu chỉ đơn thuần là tò mò, thám thính, sục mõm vào đứa bé để hít hà, kiểm tra nơi phát ra tiếng động. Nhưng chỉ cần một tiếng hét sợ hãi bất thình lình từ đứa bé, rất nhanh chóng những cái "cắn đùa, liếm yêu" kia trở nên tồi tệ hơn.

Các bác sĩ cho rằng hiện có những clip được tung lên mạng quay cảnh trẻ chơi với chó và nhiều phụ huynh thấy vậy cũng cho con chơi theo. Theo bác sĩ, rất nguy hiểm, tuyệt đối không nên. Ngoài ra, chó nuôi nên tiêm ngừa, chăm sóc đàng hoàng. Nếu lỡ trẻ bị chó cắn thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu, điều trị kịp thời.

Nếu nhà có nuôi chó, các bậc cha mẹ nên hiểu rằng dù cho con chó có hiền lành, đáng yêu, vô hại đến mức nào, phụ huynh tuyệt đối không bao giờ để con nhỏ ở một mình với chó mà không có sự giám sát của người lớn. Những hành động nhỏ đùa giỡn của em bé như kéo tai, giật đuôi, móc vào mắt rất dễ dàng kích động con vật tấn công.

Tú An (Tổng hợp)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.18180 sec| 633.813 kb