Giao mùa – “thời điểm vàng” của các bệnh đường hô hấp
Vào những ngày giao mùa, thời tiết diễn biến khá phức tạp. Nhiệt độ trong ngày chênh lệch nhiều, nắng, mưa bất chợt. Đường hô hấp là nơi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đồng thời là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên của các điều kiện môi trường, thời tiết như bụi, lạnh, hơi độc, vi khuẩn, nấm…. Trong thời điểm giao mùa, bệnh lý về đường hô hấp tăng cao, bắt đầu với các triệu chứng hắt xì, sổ mũi, ngạt mũi…
Tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi đến khám, nhập viện cũng tăng gấp đôi so với trước đó. Mỗi đêm trực trước đây chỉ từ 50 – 60 bệnh nhi đến khám thì những ngày đầu tháng 4 bệnh nhi tăng vọt từ 100 – 120 bệnh nhân. Trong đó phần lớn là bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như sốt virut, viêm mũi, họng, viêm phổi, sởi. Hiện tại khoa chỉ có khoảng 60 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nội trú luôn ở mức 140 bệnh nhân, khiến bệnh nhi phải nằm ghép 3 – 4 người/giường.
Phòng bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa
– Phải chú ý giữ ấm, mặc áo ấm, áo cao cổ khi trời lạnh, nên có khăn choàng cổ, nhất là với trẻ em.
– Nếu ở trong phòng lạnh, không để nhiệt độ quá 28o C và nên để một thau nước để tạo độ ẩm cần thiết cho cơ thể. Nhiệt độ và độ ẩm rất cần thiết cho các niêm mạc đường hô hấp. Nếu không khí lạnh mà không có độ ẩm phù hợp thì sẽ kích thích niêm mạc đường hô hấp và xảy ra các triệu chứng hắc hơi, sổ mũi, ho…
– Dùng những thức ăn có nhiều vitamin C để tạo sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi như nước cam, chanh, quít, và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, tiêu, khoai tây, rau cải, cà chua…
– Xoa dầu tràm – khuynh diệp vào lòng bàn chân trẻ trước khi đi ngủ (day nhẹ huyệt dũng tuyền).
– Cho một vài giọt dầu tràm – khuynh diệp vào nước tắm của trẻ.
– Nên mang khẩu trang khi ra ngoài trời, tránh khói bụi nhất là khói thuốc. Về tới nhà nên vệ sinh mũi ngay cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
Khi trẻ có dấu hiệu sổ mũi, nghẹt mũi
Bố mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Nước muối sinh lý (đặc biệt là đẳng trương) có thể sử dụng lâu dài, không có tác dụng phụ, không nguy hại, làm tốt cho niêm mạc mũi. Nước muối sinh lý góp phần làm loãng dịch xúc tiết, giúp lông chuyển hoạt động mạnh hơn, đẩy những dịch tiết hoặc bụi bặm ra phía ngoài.
Với trẻ có thể tự xì mũi, nên hướng dẫn trẻ bịt ngón tay một bên mũi và hỉ ra nhẹ nhàng, tránh thói quen hỉ mũi thật mạnh cả 2 bên, động tác này làm tăng đột ngột áp lực trong tai, dễ gây rách màng nhĩ.
Với trẻ nhỏ, nên dùng phương pháp bấc sâu kèn (Dùng khăn giấy mềm, dai, để làm bấc sâu kèn. Đặt vào hốc mũi để thấm ướt dịch mũi, sau đó lấy ra và đặt lại một bấc sạch. Lập lại các bước này cho đến khi sạch mũi). Nếu trẻ bị nghẹt nhiều thì nên nhỏ 2-3 giọt làm bấc sâu kèn, sau đó nhỏ thêm một giọt.
Không nên hút mũi, bơm rửa cho trẻ vì áp lực không thể chính xác, nếu mạnh có thể làm tổn thương niêm mạc.
Ngoài ra, phản xạ nuốt của bé còn yếu, nếu bơm nhanh có thể làm bé sặc vào phổi. Dụng cụ không thể vô trùng, ống bơm rửa không thể rửa sạch bằng cách rửa thông thường, tại bệnh viện muốn hút đàm từ mũi phải dùng dụng cụ vô trùng. Chưa kể, các động tác thô bạo có thể làm bé sang chấn tâm lý.
Không nên tự ý dùng kháng sinh hay các thuốc nhỏ mũi co mạch cho trẻ đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi. Kháng sinh chỉ dùng khi có dấu hiệu viêm. Còn thuốc nhỏ mũi co mạch thì có thể gây nhiều tác dụng phụ cho trẻ.
Khi trẻ ho, ho có đờm
Khi trẻ mới chớm ho, sổ mũi, mẹ nên áp dụng một số bài thuốc dân gian cho con. Lưu ý các bài thuốc này nên áp dụng khi mua được nguyên liệu sạch.
Một số bài thuốc trị ho (ho khan, ho có đờm) và giải cảm
Húng chanh hấp mật ong / đường phèn: Lá húng chanh rửa sạch, thái nhỏ trộn chung với đường phèn hoặc mật ong sau đó mang đi hấp cách thủy. Cho trẻ uống 2 lần/ ngày. Lá húng chanh có tác dụng thông cổ, lợi phế, trị đờm hiệu quả.
Quất hấp gừng, mật ong: Quất bóc lấy vỏ; gừng cạo sạch vỏ, xắt miếng, tất cả cho vào cùng mật ong, đun cách thủy. Chắt lấy nước cốt đó cho vào lọ, cất vào tủ lạnh, mỗi lần cho người bệnh uống thì hâm nóng lại. Mỗi lần uống khoảng 1 đến 2 thìa canh. Quất giúp bổ phổi, trừ ho. Gừng giúp giải cảm hiệu quả.
Vào buổi sáng khi ngủ dậy, lúc bụng bé đói nhất và chưa ăn gì, các mẹ cho bé uống khoảng nửa cốc nước lọc (100ml) sau đó uống hỗn hợp húng chanh – đường phèn/mật ong hoặc quất – gừng – mật ong nói trên.
Sau khi uống không cho các bé ăn hoặc uống gì thêm để cho siro ngấm vào họng. Tiếp đó các mẹ nên bế bé ngồi khoảng 15-20′ sau đó các bé sẽ ho để long đờm. Trong khi ho mẹ nên bế bé trong lòng đầu hơi cúi xuống và khum bàn tay vỗ vào dưới gáy bé để long đờm. Các bé sẽ nôn hết chỗ đờm trong họng.
Cách này làm tốt nhất vào buổi sáng lúc các bé chưa ăn gì, còn nếu làm trong ngày thì sẽ bị trớ ra thức ăn.
Sau khi nôn trớ ra đờm, bé sẽ ra mũi, lúc đó mẹ mới nên nhỏ thuốc mũi, hút sạch mũi, rơ miệng, cho bé uống chút nước rồi cho bé ăn uống bình thường.
Các thuốc ức chế giảm ho thường trẻ trên 2 tuổi mới dùng được. Chỉ dùng kháng sinh khi trẻ có dấu hiệu viêm (sốt, đờm xanh…)
Một số dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám:
Lừ đừ, li bì, khó đánh thức
Ói tất cả mọi thứ
Co giật
Thở nhanh, thở mệt, thở khó, tím tái
Tiêu chảy nhiều mà không bù được nước