Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điểm lại nhiều hạn chế của ngành giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điểm lại nhiều hạn chế của ngành giáo dục
Sáng ngày 6/8, tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã điểm lại những thành tựu đáng kể và hạn chế cần nghiêm túc khắc phục của ngành giáo dục.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: “Năm học 2018-2019, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điểm lại nhiều hạn chế của ngành giáo dục
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Vị tư lệnh ngành giáo dục nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm học 2019 - 2020 gồm có: (1) Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; (2) Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; (3) Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; (4) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; (5) Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điểm lại nhiều hạn chế của ngành giáo dục
Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng điểm lại những hạn chế trong năm học vừa qua: “Trước hết, công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.

Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - và hội nhập quốc tế; kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp.

Đặc biệt, còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La); phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước”.

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ ý kiến: “Đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định thay đổi bộ máy giáo dục, quản lý nếu lỗi thời chính là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của thầy cô. Đối với đội ngũ giáo viên đang làm việc hiện tại, nội hàm thay đổi không quá nhiều nhưng cần một bước chuyển về chất lượng. Chuẩn bị cho bồi dưỡng giáo viên diễn ra trong toàn quốc, có chương trình bồi dưỡng cụ thể, thường xuyên, đồng bộ

Đối với đào tạo đội ngũ giáo viên mới, muốn có chất lượng tốt phải đảm bảo mọi điều kiện đào tạo; chất lượng đầu vào phải đảm bảo nếu không sẽ khó có thể tạo ra chất lượng đầu ra tốt, chương trình đào tạo thiết thực và hiệu quả”.

“Bên cạnh đó, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ cũng vẫn đang xảy ra, có những môn thiếu rất nhiều giáo viên như Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, đề nghị bộ GD&ĐT công bố cụ thể số liệu để xã hội biết, để các học sinh giỏi biết được sẽ có cơ hội việc làm cao để đăng ký, nếu không công bố, thì nhận thức xã hội rất khó khăn.

Ngành giáo dục cần đội ngũ giáo viên mới trong tương lai, càng sớm càng tốt, các trường cũng đang cần thiết; tạo ra các phân khúc; công bố số lượng giáo viên trên toàn quốc là cần thiết, bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, tạo sự kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo sự phạm…”, Hiệu trưởng đại học Sư phạm Hà Nội cho biết.

Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã thực hiện những nhiệm vụ trong năm học 2019-2020 nhưng còn nhiều vướng mắc. Trong năm học mới, tỉnh vĩnh Phúc xin được đề nghị xem xét gắn kết các trường sư phạm với địa phương để nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ giáo dục.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã có những đánh giá nổi bật: “Trong năm qua, Hà Nội đã thực hiện rà soát xong hệ thống mạng lưới trường học; tích cực xây dựng trường chuẩn quốc gia; bồi dưỡng đào tạo học sinh giỏi, tuyển sinh đầu cấp và thi THPT Quốc gia đã thực hiện tốt; ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai chương trình sữa học đường...

Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế: hiện tượng lạm thu, dạy thêm sai quy định, bạo lực học đường, một số trường có hiện tượng thiếu lớp đối với một số trường học nội đô”.

Ông kiến nghị: “Phải quy hoạch mạng lưới phải tích hợp, cần có hướng dẫn cụ thể; thực hiện chương trình sách giáo khoa mới cần chủ động bồi dưỡng cán bộ giáo viên, chủ động kinh phí; xây dựng cơ chế để phối hợp giữa giáo dục và lao động thương binh xã hội, hỗ trợ cả kinh phí học nghề và văn hóa”.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.43211 sec| 654.438 kb