Đề thi phù hợp xét tốt nghiệp THPT và ĐH
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tiếp tục được giữ như năm 2017. Kỳ thi kép với kết quả vừa dùng cho xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Theo đánh giá của học sinh và một số chuyên gia thì đề thi năm nay khó hơn năm 2017.
Các đề thi được đánh giá có độ phân hóa tốt, nhưng về độ khó thì dường như khó hơn nhiều so với năm ngoái. Ngay trong sáng đầu tiên kết thúc môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh đã hoang mang với đề khó và lạ.
Tiếp theo là đề thi Toán mà ngay Giáo sư Toán cũng không thể giải hết trong 90 phút. Nhưng thực chất, trước tiên đây vẫn là kỳ thi tốt nghiệp THPT, và dường như đề thi năm nay đang nghiêng chủ yếu về mục đích phục vụ cho kỳ thi Đại học. Vậy việc ra đề thi như vậy có phù hợp cho kỳ kép như hiện nay?
Trả lời băn khoăn này của báo chí, ông Sái Công Hồng, Cục phó cục Quản lý chất lượng – bộ GD&ĐT cho biết : “Về độ khó của đề thi, trước hết nói về độ khó phải căn cứ vào nội dung. Hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng nội dung tất cả các môn thi, bài thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và 11 (chủ yếu là lớp 12).
Tỷ lệ lớp 12 chiếm 80-85%, lớp 11 là 15-20%. Như vậy nếu trao đổi về độ khó thì tôi nhấn mạnh, đề thi không vượt quá nội dung kiến thức các em học.
Thứ hai, cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi so với năm 2017, vẫn là 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Các câu hỏi nâng cao vẫn nằm trong kiến thức Lớp 2 khối lớp đó”.
Đề lọt không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi
Câu hỏi về nghi vấn “lọt” đề thi Vật lý được nhiều PV đặt ra. Cũng theo ông Mai Văn Trinh, đề mà xuất hiện trước giờ thi môn đó gọi là lộ đề. Còn trong thời gian đang làm thì là lọt đề. Ở đây, một số đề thi môn Vật lý xuất hiện trên mạng xã hội khi các môn thi đã kết thúc như vậy không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi.
“Tại sao đề ra ngoài? Các thí sinh thi THPT Quốc gia được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi hình (chỉ có chức năng thu, không có chức năng phát).
Ông Trinh cho rằng, do quy chế hiện cho phép thí sinh mang thiết bị có chức năng thu (nhưng không thể phát, truyền tín hiệu ra bên ngoài) nên có thể có thí sinh tự do đã dùng thiết bị này chụp lại đề và mang theo khi ra khỏi phòng thi.
Hiện tại các đơn vị chức năng đang kiểm tra các khả năng dẫn đến hiện tượng này.
Đặc cách tốt nghiệp thí sinh vùng lũ
Trả lời câu hỏi của PV về việc “vừa rồi ở miền núi xảy ra lũ lụt, thí sinh không đến thi có được đặc cách không?”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng - bộ GD&ĐT cho biết: “Năm nay, bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành phối hợp tốt với nhau, chủ động. Các địa phương chủ động thành lập ban chỉ đạo thi, chúng tôi thành lập 7 đoàn thị sát thi ở các địa phương khó khăn và thấy các địa phương đều có phương án dự phòng trước những tình huống bất ngờ.
Chẳng hạn ở Than Uyên, Lai Châu khi xảy ra lũ lụt đã đổi điểm thi khác. Đến nay, chỉ có 13 thí sinh không thể đến trường thi THPT Quốc gia, đây là nỗ lực rất lớn”.
“Những trường hợp bất thường sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT Quốc gia. Năm nay, ở Lai Châu và Hà Giang, Bộ sẽ có phương án xét đặc cách. Công việc này thuộc về các sở Giáo dục, dựa trên tình hình thực tế sẽ báo cáo phương án đặc cách với bộ GD&ĐT”, ông Trinh cho hay.
Đặng Thủy-Công Luân