Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bộ GD-ĐT khẳng định trường Đại học Đông Đô tuyển sinh và đào tạo 'chui' văn bằng 2

Bộ GD-ĐT khẳng định trường Đại học Đông Đô tuyển sinh và đào tạo 'chui' văn bằng 2
"Không chỉ ngành ngôn ngữ Anh mà tất cả các ngành trường đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đều chưa được cấp phép" - thông tin gây sốc này được Bộ GD-ĐT khẳng định trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8.

Chưa có văn bản nào cho phép trường đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2

Trước câu hỏi của báo chí về việc Bộ GD&ĐT có cấp phép cho Đông Đô đào tạo văn bằng 2 (VB2) hay không? Trường ĐH Đông Đô có Bộ GD&ĐT về việc tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng văn bằng cấp... theo quy định không? Báo cáo của trường (nếu có) có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2 Tiếng Anh không?

Bộ GD-ĐT khẳng định trường Đại học Đông Đô tuyển sinh và đào tạo 'chui' văn bằng 2

Văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT cho hay, theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 - VB2), việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.

Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo VB2.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2.

Do trường Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo VB2, nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).

Trong văn bản trả lời, Bộ GD-ĐT cũng cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra VB2 được thực hiện trong chương trình kế hoạch chung về thanh tra, kiểm tra.

Năm 2011, thực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra tại Trường ĐH Đông Đô.

kiểm tra cho thấy, trường chưa có mặt bằng nên chưa xây dựng được cơ sở vật chất như cam kết; tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao. Do đó, Bộ đã có quyết định tạm dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Đông Đô.

Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018).

Tuy nhiên, Trường ĐH Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.

Ngoài ra, trước khi cơ quan CA ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trường đại học Đông Đô, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thanh tra công tác đào tạo VB2 tại 3 trường: ĐH Chu Văn An, Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) và ĐH Thành Đô.

Thực hiện quản lý nhà nước, ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo Thanh tra và các đơn vị chức năng tập hợp, rà soát các vấn đề dư luận phản ánh về giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng, để tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nếu có.

Bộ GD-ĐT "né" câu hỏi trách nhiệm

Về vấn đề tiêu cực của trường ĐH Đông Đô về đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh, báo Dân trí đã gửi một loạt câu hỏi tới Bộ GD&ĐT, trong đó có đặt vấn đề: Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc cung ứng phôi bằng dẫn đến trường ĐH Đông Đô đã hợp thức hóa được hàng trăm văn bằng 2 ngôn ngữ Anh bất hợp pháp? Buông lỏng quản lý, thiếu giám sát dẫn đến tạo điều kiện cho i phạm, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý các đơn vị liên quan như thế nào? Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong vụ việc này?... 

Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi này đều không được Bộ GD-ĐT giải đáp trong văn bản gửi cho báo chí.

Bộ GD-ĐT vẫn “điệp khúc”, thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ (VBCC), số lượng phôi VBCC ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi VBCC.

Trong khi đó, Bộ lại không đề cập đến việc Văn phòng Bộ cung cấp phôi bằng theo quy định nào, việc quản lý cấp phôi bằng ra sao? Tại sao trường không được đào tạo văn bằng 2 lại mua được hàng trăm phôi bằng để hợp thức hóa sai phạm?

Vấn đề lớn hơn cả, đến thời điểm này mặc dù là đơn vị phê duyệt cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng Bộ GD-ĐT lại không công bố danh sách các trường được cấp phép đào tạo VB2 mà đưa ra lý do:

Hiện nay, mọi văn bản của Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo văn bằng 2 đều được lưu trữ theo quy định về lưu trữ tại Văn phòng Bộ GD&ĐT (trừ các cơ sở giáo dục đại học là thành viên của 02 đại học Quốc gia, 03 đại học Vùng và 23 cơ sở giáo dục đại học được phép thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017).

Theo quy định thực hiện công khai đối với cơ sở GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ban hành tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và thay thế tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phải thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và tham gia giám sát, đánh giá cơ sở GD&ĐT theo quy định của pháp luật.

Cụ thể: Công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng; và công khai thu chi tài chính. Đối với công khai hoạt động đào tạo theo nhiệm vụ được giao, trong đó có VB2 là quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện.

Câu hỏi được đặt ra là hiện nay trên cả nước bao nhiêu trường đào tạo VB2 ngôn ngữ Anh hợp pháp? Việc Bộ GD-ĐT không công bố công khai thì ai sẽ giám sát hoạt động này khi mà những người sở hữu tấm VB2 ngôn ngữ Anh được miễn ngoại ngữ khi đăng ký học thạc sĩ, tiến sĩ?

Theo Dân trí

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39585 sec| 658.25 kb