Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bộ GTVT giải thích việc đặt thêm trạm BOT tuyến tránh Cai Lậy

Bộ GTVT giải thích việc đặt thêm trạm BOT tuyến tránh Cai Lậy
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 diễn ra hôm nay (1/10), đại diện các Bộ đã có giải thích về những vấn đề nóng trong thời gian qua như đặt thêm trạm BOT tuyến tránh Cai Lậy, độc quyền sách giáo khoa, bảo kê chợ Long Biên…

Theo đó, trả lời câu hỏi về việc đặt thêm trạm BOT vào tuyến tránh Cai Lậy, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Bộ đang thực hiện thông báo kết luận họp Thường trực của Thủ tướng, trên cơ sở về các phương án, có đánh giá của các bộ ngành, để chọn phương án tốt nhất. Từ tháng 4 đến nay, bộ GTVT đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan, với cả Tiền Giang, bộ, ngành liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng để đánh giá”.

“Nhà nước không có tiền mua lại trạm, nhà đầu tư đã đầu tư và phải thu phí hoàn vốn. Bộ có 2 phương án, một là giữ nguyên trạm hiện hữu, thu, thu thích hợp hơn; hai là đặt 2 trạm ở 2 nơi (Quốc lộ 1 và tuyến tránh). Sau khi làm việc với Tiền Giang thì Bộ quyết định đặt 2 trạm đảm bảo thu để hoàn vốn”, ông Đông giải thích.

Bộ GTVT giải thích việc đặt thêm trạm BOT tuyến tránh Cai Lậy
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm nay 1/10. Ảnh Công Luân.

Đại diện bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã nêu quan điểm của Bộ trong việc xử lý việc bảo kê tại chợ Long Biên gây bức xúc trong thời gian qua: “Đây là việc không thể chấp nhận, nếu có sự bảo kê, trong đó có Công an tôi đề nghị phóng viên cung cấp cho công an. Công an Hà Nội đang vào cuộc tích cực, với yêu cầu khẩn trương điều tra xác minh, xử lý sớm nhất”.

Một vấn đề được dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua đó là việc độc quyền sách giáo khoa. Đại diện Chính phủ là ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Hôm nay, Thủ tướng đã yêu cầu bộ GD&ĐT giải trình báo cáo, yêu cầu phải có giải pháp khắc phục ngay. Phải chỉ đạo in ấn minh bạch, công khai, đồng thời làm tốt công tác hóa, tránh độc quyền, tránh lợi ích nhóm”.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo những tín hiệu rất đáng mừng trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngày hôm nay, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018. Phiên họp này diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV và trong tháng 9/2018 đã diễn ra nhiều sự kiện lớn được tổ chức thành công.

Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm, ông Dũng cho biết: “Chính phủ đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 9 tiếp tục xu hướng phát triển tích cực; tình hình 9 tháng đạt kết quả rất toàn diện trên mọi lĩnh vực, củng cố niềm tin xã hội; vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên”.

Cụ thể, ông Dũng nêu ví dụ về GDP 9 tháng năm 2018 đã tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011. Cả 3 khu vực đều tăng cao: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%.

Bộ GTVT giải thích việc đặt thêm trạm BOT tuyến tránh Cai Lậy
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh Công Luân.

“Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định trong 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018 sẽ có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ có 11 chỉ tiêu vượt và đạt với những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, , đối ngoại. Tăng trưởng kinh tế đang hướng tới sự phát triển bền vững, chuyển đổi cơ cấu và mô hình kinh tế dần đi vào thực chất”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, kiên định với mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

“Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt, cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nợ công; cải cách thể chế; thúc đẩy tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp”, ông Dũng nói.

Công Luân

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26561 sec| 646.734 kb