Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Quyết định 505/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017.
Quyết định 505/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2020.
Theo đó, quyết định này đã bổ sung 2 đối tượng được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, gồm:
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành.
- Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Việc giảm trừ mức đóng cho các thành viên tham gia BHYT hộ gia đình theo Quyết định này chỉ thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Quyết định cũng bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng, gồm:
- Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội.
- Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an Nhân dân.
- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Ngoài ra, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có đủ:
- Giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định 11/2016/NĐ-CP và người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Mua BHYT hộ gia đình năm 2020 được thực hiện thế nào?
Công văn số 777/BHXH-BT hướng dẫn thu BHYT có nêu, từ ngày 1/1/2016 trở đi, người tham gia BHYT tự nguyện bắt buộc phải tham gia theo hộ gia đình chứ không được tham gia một cách đơn lẻ như trước đó.
Đồng thời, theo quy định tại điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình bao gồm: người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, trừ những người thuộc nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng, do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách Nhà nước đóng, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng hoặc do người sử dụng lao động đóng; Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, trừ đối tượng đã tham gia BHYT bắt buộc mà không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng.
Theo đó, ngày 24/8/2015, tại Công văn số 3170/BHXH-BT, BHXH Việt Nam hướng dẫn, để mua BHYT hộ gia đình, người dân thực hiện theo các bước sau:
Bước 1, kê khai đầy đủ thông tin vào Tờ khai tham gia BHYT. Người dân điền đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân vào Tờ khai tham gia BHYT ( mẫu TK1-TS ) và kê khai toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT (mẫu DK01) nhận từ trưởng thôn, xóm, khu phố, ấp, bản.
Bước 2, nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cư trú. Người dân nộp Tờ khai cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu cùng với các giấy tờ sau: Bản sao Sổ hộ khẩu; Bản chính hoặc bản chụp thẻ BHYT của các thành viên khác trong hộ khẩu đã có thẻ để xác định giảm trừ mức đóng.
Bước 3, đóng tiền tham gia BHYT. Sau khi nộp hồ sơ, người dân đóng tiền tham gia BHYT theo đúng quy định và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Bước 4, đến cơ quan BHXH nhận thẻ BHYT. Căn cứ ngày ghi trên giấy hẹn, người dân đến đại lý thu BHXH hoặc cơ quan BHXH nơi đã nộp hồ sơ để nhận thẻ BHYT.
Người tham gia BHYT hộ gia đình có thể đăng ký mua tại các đại lý thu BHXH hoặc cơ quan BHXH xã, phường, thị trấn nơi cư trú.