Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 22/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua, vấn đề trạm thu giá BOT hết sức nóng.
"Tuy nhiên rõ ràng đây là sản phẩm của giai đoạn trước. Nếu giải quyết không ổn thỏa sẽ tạo dư luận không tốt, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư", ông Thể nói.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tham mưu, phối hợp giải quyết tương đối ổn định các trạm thu giá BOT. Bộ sẽ nghiên cứu, vận dụng để làm sao những trạm BOT sắp tới sẽ thực hiện nghiêm. Về lâu dài, Bộ GTVT sẽ triển khai nhiều dự án BOT nhưng tập trung làm trên các đường song hành, không làm ở đường độc đạo, đồng thời duy tu, sửa chữa sử dụng các đường cũ.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Nguyễn Văn Thể đã làm rõ những vấn đề liên quan đến việc đổi tên “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT giao thông”.
Ông cho hay phí mang tính chất quản lý Nhà nước liên quan đến HĐND, Quốc hội quyết định. Hình thức đầu tư BOT (Kinh doanh - Xây dựng - Chuyển giao) được xem là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá. Do vậy, chúng ta cần điều chỉnh từ phí sang giá cho chính xác.
Việc chuyển đổi tên trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” không có gì khác mà còn linh động hơn rất nhiều cho việc điều chỉnh mức thu. Bởi lẽ muốn điều chỉnh phí thì phải thông qua HĐND nên rất chậm.
Sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh. Dự án BOT cũng vậy, chủ đầu tư bỏ toàn bộ vốn thì cũng cần có phương án hoàn vốn. Còn Nhà nước luôn cố gắng điều chỉnh thấp nhất, tạo điều kiện cho xã hội. Hiện nay, chúng ta đang điều chỉnh giá các trạm BOT theo phương án thấp nhất để hỗ trợ chi phí cho người dân.
Nói về việc chuyển sang “thu giá” là đánh tráo khái niệm, khiến doanh nghiệp đẩy giá hoặc dễ đề xuất tăng giá, ông Thể cho rằng về nguyên tắc, sản phẩm đó của doanh nghiệp nhưng mình có điều tiết theo thị trường. Tại sao Thủ tướng Chính phủ họp, tại sao các bộ ngành họp, tại sao Quốc hội yêu cầu xem xét… Tức là phải điều tiết đảm bảo lợi ích. Đã ký hợp đồng với Bộ, Bộ sẽ có trách nhiệm giám sát việc này để kiểm tra, làm sao có giá hợp lý nhất.
Nghị định quy định thay đổi thì phải điều chỉnh theo yêu cầu của Chính phủ.
Sắp tới khi đưa vào thu giá tự động, mỗi doanh nghiệp có trung tâm công nghệ, người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và cơ quan Nhà nước có thể thông qua hệ thống này giám sát được nguồn thu hằng ngày, hằng tháng, hằng năm.
Hệ thống này cung cấp cho tổng cục Đường bộ quản lý toàn bộ, đảm bảo thu chi công khai, minh bạch, người dân có thể giám sát thông qua các thiết bị điện tử độ chính xác cao, không còn tình trạng kiểm tra cùi vé, xé vé.
Hệ thống mới rất tốt, Bộ cố gắng thực hiện nghiêm túc Quyết định 07 của Chính phủ, cuối năm nay vận hành các đường cao tốc, quốc lộ, đến 2019 sẽ phủ kín toàn bộ các trạm thu phí tự động. Đây là trách nhiệm công khai minh bạch, giám sát chi phí, tạo điều kiện cho các dòng xe lưu thông nhanh chóng qua trạm thu giá, có thể chạy 40-50km/h vẫn bình thường, có nhiều lợi ích, người dân, doanh nghiệp đỡ mất thời gian, giám sát được chi phí, đảm bảo rõ ràng…
Tú An (TH)