Trước câu hỏi khi bị bỏng cần sơ cứu ra sao, xử trí như thế nào là đúng cách. PV đã lắng nghe chia sẻ của bác sĩ Anh Tú (bác sĩ đa khoa tại một phòng khám ở Hà Nội).
Bác sĩ Anh Tú cho hay, khi bị bỏng nước sôi việc đầu tiên cần làm là chặn nguyên nhân gây ra bỏng, càng sớm càng tốt. Sau đó thực hiện các bước sau:
1. Làm nguội bớt vết thương
Theo bác sĩ Tú, điều cực kỳ quan trọng trong sơ cứu bỏng nhiệt là nhanh chóng rửa chỗ bị bỏng dưới vòi nước (nước lạnh càng tốt). Để chỗ bỏng dưới vòi nước đang chảy từ 15 đến 25 phút hoặc cho đến khi cảm thấy vết bỏng hết đau, trong trường hợp này chỉ cần dùng nước lạnh là đủ. Việc dùng nước đá chưa hẳn là tốt khi thực hiện với vết bỏng.
Trường hợp bị bỏng do chất lỏng gây ra (dầu, nước sôi, axit), trước hết phải cởi bỏ y phục bị ướt ra (trước khi vết bỏng hình thành bọng nước), tiếp đó xả nước lạnh vào chỗ bị bỏng. Nếu quần áo bị dính vào vết thương, đừng cố cởi bỏ ra, hãy rửa vết thương dưới nước lạnh bên ngoài lớp vải và sau đó đi tìm bác sĩ để biết cách chăm sóc bệnh nhân bỏng.
Việc rửa vết thương dưới nước lạnh có công dụng làm giảm diện tích và độ sâu do bỏng gây ra.
2. Bù nước
Sau khi bị bỏng trong quá trình đợi tới viện nên cho bệnh nhân uống nước, có thể dùng oresol. Nếu có thể nên đặt đường truyền dịch tĩnh mạch là tốt nhất.
3. Giữ sạch cho vết bỏng nước
Một số người cho rằng những chất như bơ, kem đánh răng, giấm, nước mắm... có thể làm dịu vết bỏng. Tuy nhiên điều đó không đúng, tốt nhất dùng một băng hoặc vải sạch (tốt nhất là băng gạc y tế) băng lên vết bỏng tránh sự đụng chạm vào vết bỏng.
4. Bôi thuốc kháng sinh
Đối với vết bỏng nhẹ ít có khả năng nhiễm trùng. Nhưng đối với vết bỏng lớn hơn, khả năng bị nhiễm trùng, làm vết thương lan rộng và lâu khỏi hơn. Vì vậy, sau khi thực hiện sơ cứu bỏng nước sôi như trên bạn nên dùng các loại kem bôi vết bỏng như B76 hoặc Silvirin hoặc mỡ kháng sinh khác. Lưu ý, cần thay băng hàng ngày, giữ vết bỏng luôn sạch sẽ.
Thanh Lam