Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) vừa ra kết luận điều tra bổ sung vụ án liên quan sự cố tai biến y khoa ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình làm 9 người chết. Ngoài ba bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc bệnh viện) và ông Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư).
Sau hơn 1 tháng điều tra bổ sung, Công an Hòa Bình vẫn kết luận bác sĩ Hoàng Công Lương thiếu trách nhiệm trong sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân tử vong và giữ nguyên quan điểm xác định hành vi của bị can Lương đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 360, Bộ luật Hình sự 2015.
Cơ quan CSĐT khẳng định bác sĩ Hoàng Công Lương chịu trách nhiệm trong việc ra y lệnh cho 18 bệnh nhân ngày 29/5/2017; người được đào tạo và có chứng chỉ về lọc máu; biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng; hiểu quy trình và biết rõ hệ thống lọc nước RO2 vừa sửa chữa ngày 28/5/2017.
Tuy nhiên sáng 29/5/2017, khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa, người có thẩm quyền trong đảm bảo chất lượng nước sử dụng trong lọc máu; không có căn cứ xác định an toàn của hệ thống lọc nước sau sửa chữa; không báo cáo lãnh đạo khoa, bác sĩ Lương đã ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, hành vi của bác sĩ Lương có đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra bổ sung, từ năm 2009 đến 2014, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình ký bốn hợp đồng liên kết, lắp đặt 13 máy chạy thận nhân tạo theo hình thức xã hội hóa với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương đã đại diện ký hợp đồng đã “đúng với nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu bệnh viện”. Đơn giá một ca chạy thận nhân tạo do UBND tỉnh phê duyệt hồi năm 2009 là 400.000 đồng.
Trước khi ký các hợp đồng liên kết lắp đặt máy chạy thận, bệnh viện và Công ty Thiên Sơn đã ký đề án đầu tư hệ thống máy chạy thận nhân tạo. Hợp đồng thể hiện, bệnh viện hưởng 10% doanh thu trong tháng để chi tiền điện, nước, khuyến khích cán bộ làm thêm giờ… Công ty Thiên Sơn dùng 90% doanh thu trong tháng để chi lãi vay, bảo quản thiết bị, vật tư tiêu hao.
Tháng 8/2011, Công ty Thiên Sơn đề nghị thay đổi cách tính. Thay vì sử dụng 90% doanh thu, họ đề nghị thu 7,7 USD một ca chạy thận. Sau khi máy đạt được 5.650 ca, Công ty Thiên Sơn giao máy cho bệnh viện toàn quyền sở hữu để tiếp tục khai thác.
Đối với nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương, Cơ quan CSĐT khẳng định ông Dương chịu trách nhiệm hành chính liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Ngày 9/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã có công văn thông báo và đề nghị Sở Y tế Hòa Bình xử lý sai phạm về mặt hành chính theo quy định đối với ông Dương.
Cơ quan CSĐT khẳng định, trong quá trình điều tra, đến nay chưa phát hiện ông Dương và ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn, có sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh, liên kết, mua bán, sửa chữa máy móc, thiết bị y tế; thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo.
Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng, tính đến thời điểm xảy ra sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn quy trình thận nhân tạo đầy đủ để áp dụng trong thực tiễn. Do đó, không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO.
Ngoài ra, hệ thống lọc nước RO được coi là thiết bị y tế nhưng cho đến nay Bộ Y tế cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về chủ thể nào đủ điều kiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống. Điều đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân lọc máu bằng kỹ thuật nhân tạo.
Từ những căn cứ trên, Công an Hòa Bình đề nghị HĐXX kiến nghị với Bộ Y tế để thấy rõ trách nhiệm và khắc phục thiếu sót.
Trước đó, sau 12 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, TAND thành phố Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề.
Vĩnh An (TH)