Cụ thể, Satomi Higa một ngư dân ở làng Yomitan (tỉnh Okinawa, Nhật Bản) chia sẻ với CNN câu chuyện 2 con cá lớn mắc kẹt vào lưới của anh khi đánh cá gần bờ. Khi gỡ lưới, đoàn đánh cá không khỏi bàng hoàng khi phát hiện 2 con cá kia chính là loài cá cờ mặt trăng sinh sống ngàn mét dưới đáy biển.
Được biết, loài cá cờ mặt trăng này có thân dẹt và dài. Chúng là loại cá có xương dài nhất trong tự nhiên, các cá thể trưởng thành có thể đạt đến độ dài 11m. Loài cá này sinh sống ở đáy đại dương, các mặt biển khoảng 1.000m.
Chính vì vậy, việc cá cờ mặt trăng xuất hiện ở các vùng nước cạn sát biển là một hiện tượng vô cùng bất thường.
Trong văn hóa Nhật Bản, loài cá cờ mặt trăng được coi là “Ryugu no tsukai” nghĩa là “Lời nhắc từ thủy cung”.
Vào năm 2011, hàng tá con cá cờ cũng đã dạt vào bờ biển Nhật Bản trước khi thảm họa Fukushima ập đến, cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người dân. Động đất độ 9, sóng thần, hỏa hoạn, rò rỉ hạt nhân,... đây được coi là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất nước Nhật.
Thời gian gần đây, tại các bãi biển Nhật Bản liên tục xuất hiện xác cá cờ mặt trăng dạt vào bờ. Người dân lo sợ rằng đây là lời cảnh báo từ thần biển rằng thiên tai sắp xảy ra.
Tuy nhiên các nhà khoa học lại có một lời giải thích khác.
Theo the Independent, nhà cổ sinh học Jason Loxton khẳng định loại cá cờ mặt trăng không hề có khả năng dự báo động đất. Lý giải hiện tượng cá cờ mặt trăng xuất hiện nhiều ở bờ biển Nhật Bản, Kazusa Saiba đến từ viện Hải dương Uozu nhận định, hiện tượng nóng lên toàn cầu cùng với quá trình thay đổi kết cấu vỏ trái đất chính là nguyên nhân hàng đầu. Chính hiện tượng này khuấy động vùng nước dưới đáy đại dương, đẩy các sinh vật lên trên và trôi dạt vào bờ.
Ông Kazusa cũng chia sẻ: “Tuy chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc cá cờ mặt trăng có liên quan đến các cơn địa chấn nhưng chúng ta cũng không nên hoàn toàn phủ nhận các khả năng có thể xảy ra".
H.A (TH)