Không hề đơn giản khi tìm đường vào tới nhà trọ nơi cụ Nguyễn Thị Chít (SN 1943) và người con trai thiểu năng đang ở tại 15/3 ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đó là người phụ nữ khốn khổ khi phải gánh chịu một cuộc đời đầy đau thương, đến cuối cuộc đời vẫn còn bị "đày ải".
Từ nhỏ cụ Chít đã làm nghề nhặt ve chai để trang trải cuộc sống gia đình. Đến tuổi cập kê, cụ lấy anh thanh niên ở Cần Giuộc, Long An rồi về đó sinh sống. Cặp vợ chồng rổ giá cạp lại giữa cảnh nghèo túng bần hàn nhưng vẫn tràn trề hạnh phúc khi sinh được cậu con trai kháu khỉnh.
Nhờ sự siêng năng, hai vợ chồng cụ Chít cũng qua được cơn bỉ cực. Rồi họ sinh được đứa con thứ 2, cũng là con trai nhưng xui rủi thay người con trai ấy không được bình thường. “Nó mắc bệnh thiểu năng từ nhỏ, đến nay đã 53 tuổi nhưng tâm tính vẫn chỉ như đứa con nít, suốt ngày lầm lì, khờ khạo”, cụ Chít bùi ngùi.
Cũng từ khi có cậu con trai thứ 2 bệnh tật, gia đình cụ Chít tiêu tốn nhiều tiền bạc. Cảnh khổ cực lại lặp lại với gia đình cụ Chít khiến hai người con chẳng được học hành. Số mệnh không buông tha cụ Chít khi vào một đêm chồng cụ Chít đi nhậu về rồi ngủ luôn không tỉnh lại. Năm ấy cụ Chít 36 tuổi.
Người phụ nữ nghèo khó ấy chỉ còn biết than trời khi trăm sự khổ ải đè lên người. Cụ Chít gồng gánh đưa hai đứa con lên Sài Gòn mưu sinh và cũng là tránh xa khỏi mảnh đất mang cho cụ nhiều đau thương ấy.
“Tôi đưa hai con lên Sài Gòn làm nghề lượm ve chai kiếm sống. Năm ấy con trai lớn của tôi 17 tuổi, nhưng cháu cũng không biết làm gì ngoài việc lượm ve chai phụ mẹ. Sau ba năm ở Sài Gòn cuộc sống của gia đình tôi cũng đỡ hơn đôi chút”, cụ Chít tâm sự.
Nhưng số phận nghiệt ngã thay khi một lần nữa cướp đi của cụ Chít người thân yêu nhất. Trong một lần người con trai lớn đi lượm ve chai, không may anh lượm phải một trái lựu đạn rồi vô tình để cho lựu đạn nổ chết.
Nhận tin con chết vì lựu đạn mà lòng cụ Chít như tan nát, chẳng biết kêu ai. Những ngày sau khi con trai lớn mất là những ngày bi kịch đối với cụ Chít. Những đêm nhìn con trai nhỏ thiểu năng, trong lòng cụ Chít chỉ dấy lên một suy nghĩ là quyên sinh cùng con để kết thúc cuộc đời đày ải.
“Khổ quá mà. Tôi khóc mãi, bỏ ăn, định chết nhưng nhìn thằng con ngây ngô rồi tôi lại thương nó. Lúc ấy chỉ còn biết khóc thôi, rồi thâm nghĩ trong lòng là khổ đến đâu cũng phải ráng sống nuôi đứa con khờ dại này”, cụ Chít xót xa kể.
Nhiều năm trôi qua, người ta vẫn thường thấy bóng dáng một người phụ nữ đẩy thùng xe đi lượm lặt những đồ người ta bỏ đi. Thời gian thấm thoát thoi đưa, những đốm bạc trên mái đầu cụ Chít dần lộ diện. Những bước chân thanh thoát ngày nào của cụ Chít bỗng trở nên nặng trịch trên đường.
“Thấy thế nên nhiều người thương, người ta kêu tôi lại cho gạo, cho đồ ăn. Còn lòng tôi đã tan nát rồi, chỉ mong đủ ăn, đủ nuôi thằng con khờ là được. Ấy thế mà nhiều khi đến bát cháo cũng không có mà ăn, đó là những lúc tôi bệnh nằm liệt giường, những mùa mưa to gió lớn”, cụ Chít bùi ngùi.
Làm quần quật mỗi ngày xong cụ Chít chỉ kiếm được khoảng từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng mỗi ngày. Trước đây, thuê trọ, cụ Chít phải trả hàng tháng là 1 triệu đồng. Về sau thấy gia cảnh cụ Chít cực khổ quá, người chủ nhà trọ cho cụ ở miễn phí mà không phải trả bất cứ khoản nào.
Người con trai thiểu năng của cụ Chít dù đã 53 tuổi nhưng tâm tính chỉ như đứa trẻ 10 tuổi. Thỉnh thoảng lúc vui, người con thiểu năng của cụ Chít phụ mẹ nhặt đồ ve chai khi cụ trở về nhà trọ. Lúc anh này buồn thì "trời cũng bằng vung" không ai ngăn được.
Đến nơi cụ Chít ở chúng tôi mới thấm cảnh nghèo khó cùng cực. Vật dụng trong nhà cũ kỹ, ngổn ngang vì không có người dọn. Chiếc tủ lạnh hư chỉ để đồ bát đĩa, ly chén cho bụi khỏi bám vào. Ngay cả nơi thờ cũng người thân cũng chỉ đơn sơ là đặt lên một cái bàn học sinh lúc cụ đi lượm ve chai nhặt được.
Cụ đã không thể đổ thêm giọt nước mắt nào bởi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đã đổ suốt mấy chục năm qua. Nhiều khi khổ cực bệnh thấp khớp hành hạ đến nỗi cụ chỉ mong sớm về với tổ tiên xong lại thương đứa con khờ dại. Đó cũng là điều cụ trăn trở nếu lỡ may số phận nghiệt ngã...cụ không còn thì đứa con khờ sẽ đi về đâu, sống thế nào?
Anh Thảo, người hàng xóm của cụ Chít cho biết: “Hàng ngày chứng kiến từng bước chân lê lết của cụ Chít khi đẩy xe đi lượm ve chai mà tôi không khỏi bùi ngùi. Sự thương yêu của bà con lối xóm cũng chỉ giúp cụ Chít được phần nào, xong vẫn chẳng thấm thía vào đâu với cảnh nghèo khó, bần cùng của cụ Chít”.
Anh Trần Hoàng Học, chủ nhiệm CLB Vì cộng đồng Dung Bảo Ngọc phát hiện ra hoàn cảnh của cụ Chít đáng thương và từng có thời gian hỗ trợ cho cụ Chít hàng tháng. Xong, đến nay biến cố xảy ra với anh Ngọc khiến anh không thể lo cho cụ Chít và gần 20 hộ người già neo đơn cũng như gần 20 đứa trẻ mồ côi khác. Anh Ngọc rất mong có sự giúp đỡ của mạnh thường quân đối với những hoàn cảnh khốn cùng như cụ Chít.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Tố Lê, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết: “Trường hợp của cụ Chít là một trường hợp đặc biệt đáng thương. Cụ đang bệnh tật mà lại phải đi lượm ve chai để nuôi đứa con thiểu năng ở khu vực này ai cũng thấu hiểu. Hàng năm vào những ngày lễ, xã cũng tặng quà cho cụ. Bên cạnh đó, về phía hội cũng tích cực vận động, hỗ trợ cụ nhưng vẫn rất cần những mạnh thường quân chung tay”.
P.V