Ngày 9/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo này đưa ra các chế tài rất mạnh như, điều 5 dự Luật quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia, và cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe… Điều 20 của dự thảo Luật quy định các địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, nơi vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; không được bán rượu, bia trên mạng internet và máy bán hàng tự động.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp và tiếp thu, chỉnh sửa, dự luật trình Quốc hội ngày 23/5 vừa qua đã bỏ quy định cấm bán rượu bia trên internet, chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn trên truyền hình được chỉnh lý theo hướng không được quảng cáo trong khoảng thời gian từ 19h đến 20h hằng ngày…
Phải chăng năng lực kiểm soát còn yếu?
Tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia vào sáng 12/4. Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam thu 50.000 tỉ đồng từ đóng góp ngân sách của ngành rượu bia. Nhưng ngược lại, số tiền chi cho việc giải quyết các vụ tai nạn có liên quan đến rượu bia là 65.000 tỉ đồng, trong đó chưa kể bạo lực, chấn thương tâm lý… do người sử dụng rượu bia gây ra với người khác. Chính vì thế, nhìn dưới góc độ xã hội về an toàn sức khỏe, hạnh phúc gia đình, xã hội nhiều ý kiến kêu gọi cấm bia rượu là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề rằng 2 nước Nhật Bản và Trung Quốc xếp trên cả Việt Nam về sản xuất, tiêu thụ bia rượu nhưng họ vẫn là các quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế, văn hóa xã hội. Họ vẫn kinh doanh, tiêu thụ và hài hòa giữa lợi ích giữa kinh tế và xã hội.
Chia sẻ vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Hưng nói, có nhiều cách để kiểm soát hệ lụy từ bia rượu. Vấn đề là tư duy và năng lực của đơn vị quản lý. Đơn cử tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore ngoài việc đánh thuế tiêu thụ khiến giá bia đắt gấp 3-4 lần ở Việt Nam. Nếu áp dụng và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì khi cầm lon bia để uống với mức giá đắt đỏ cũng cần phải suy nghĩ. Nhiều quốc gia còn kiểm soát kinh doanh bia rượu bằng cách quy định giờ, có nước sau 22h sẽ không được bán bia.
“Ở Việt Nam hiện nay mọi quy định đều chưa rõ ràng nên khó quản lý, kiểm soát. Nếu ở nước ngoài trẻ em chưa đủ tuổi quy định không được mua, sử dụng bia rượu thì ở Việt Nam không có quy định gì cụ thể”, ông Hưng nói.
Về góc độ pháp lý vị luật sư này nhận định rằng, “tính pháp lý về bia rượu hiện nay tại Việt Nam xử lý còn quá nhẹ. Tại các quốc gia phát triển, khi một người say rượu lái xe sẽ bị phạt giam xe 3-4 tháng hoặc phải hầu tòa. Thậm chí có thể bị ghép vào tội giết người vì có thể gây chết người ngay thời điểm đó, còn ở Việt Nam chỉ bị kiểm tra nồng độ và phạt hành chính nhẹ.”
Kiểm soát và quản lý xã hội còn là việc tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh cho người dân, hạn chế họ tiếp xúc với bia rượu. Ví dụ những môi trường nông thôn hẻo lánh, nếu xong việc mưu sinh không có các hoạt động văn hóa, giải trí nào khác họ chỉ còn cách “mượn rượu giải sầu hoặc mua vui”. Từ đó sẽ tạo thành thói quen, mà muốn uống phải có năm, ba người mới khiến hình thành thói quen chung.
Ngành bia, rượu mang lại nguồn ngân sách không nhỏ…
Chia sẻ bên lề Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho hay việc ông lên tiếng bảo vệ ngành bia rượu Việt Nam phát triển theo hướng tích cực bởi vì hiện nay Dự luật đang tiếp cận vấn đề chưa đúng. “Cốt lõi vấn đề là năng lực kiểm soát kém và phải lấy con người là chính. Việc chúng ta cần làm là điều khiển hành vi con người chứ không phải hành vi rượu”, vị đại biểu này nói.
Về góc độ xã hội, thực tế bia rượu đã gây nhiều hệ lụy thương tâm: số vụ tai nạn giao thông vì rượu bia ngày càng tăng mạnh, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội vì “lượng cồn lớn” cũng càng tăng.
Tuy nhiên, cần tiếp cận vấn đề ở góc độ kinh tế để thấy rõ việc quảng bá để phát triển thương hiệu là điều hiển nhiên của mỗi doanh nghiệp. Chưa kể, các doanh nghiệp bia rượu trong và ngoài nước hiện nay mang lại nguồn ngân sách không hề nhỏ cho nền kinh tế với đóng góp trung bình 50.000 tỷ đồng/năm. Vì thế, các doanh nghiệp này cũng đáng được tạo điều kiện bình đẳng, môi trường thuận lợi để phát triển.
Theo Cục Thuế TP.HCM, Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia sản xuất trong nước năm 2018 lên đến hơn 8.994 tỉ đồng. Với mặt hàng bia nhập khẩu bán ra trong nước, số nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của Heineken là hơn 61,3 tỉ đồng. Hiện nay TP.HCM chiếm tới 50% ngân sách mà ngành bia rượu đóng góp cho cả nước. Với Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), số thuế tiêu thụ đặc biệt mà đơn vị này góp vào ngân sách với mặt hàng bia sản xuất trong nước cũng ở mức 2.810 tỉ đồng.
Từng có báo cáo gửi Chính phủ để góp ý về dự thảo này, Tổng giám đốc Sabeco, Teo Hong Keng nêu trong văn bản: “Hiện tại, chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận với đồ uống có cồn, đặc biệt là bia là chưa phù hợp. Do nhìn nhận bia giống như thuốc lá, thậm chí là như “độc dược” nên mới dẫn đến các quy định quá khắt khe như trong Dự thảo luật. Doanh nghiệp này còn góp ý, thay vì cấm, nên điều chỉnh hành vi lạm dụng, quảng cáo sai sự thật ảnh hưởng tới hành vi người dùng. Bởi nếu nhìn nhận bia là một loại đồ uống có cồn thì mới đúng với bản chất của nó và phù hợp với cách nhìn của toàn nhân loại. Chỉ khi lạm dụng nó (quá mức chịu đựng của cơ thể) thì mới gây tác hại.
Chia sẻ với những trăn trở của doanh nghiệp ngành bia rượu, trong phát biểu ngày 21/5 tại Tọa đàm về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Quy chế tự quản của doanh nghiệp đồ uống có cồn, T.S Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định việc cấm quảng cáo, tài trợ đối với bia sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu cấm quảng cáo, tài trợ trong nước thì doanh nghiệp sẽ chuyển quảng cáo, tài trợ ra nước ngoài, nguồn tiền sẽ “chảy” ra bên ngoài, như vậy sẽ thiệt thòi nhiều. Ông Hiếu cho biết, nếu hạn chế quảng cáo sẽ hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đặc biệt là những sản phẩm mới và các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đồng thời tăng tính độc quyền của các doanh nghiệp cũ. Quy định cấm quảng cáo hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, bởi lẽ thông qua quảng cáo họ có những thông tin về sản phẩm để dễ dàng lựa chọn sản phẩm có chất lượng. Nếu cấm tuyệt đối việc tài trợ cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao thì chính các đơn vị tổ chức sự kiện sẽ ảnh hưởng lớn, bởi các sự kiện lớn chủ yếu là các doanh nghiệp bia tài trợ.
Là ngành có khả năng bị “vạ lây” rất lớn, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết: “Quy định cấm quảng cáo, tài trợ đối với bia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp quảng cáo và đài truyền hình. Ngành bia đóng góp rất lớn cho doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình. Nếu không cho quảng cáo thì các doanh nghiệp sẽ quảng cáo lên Youtube, Zalo, Facebook, Google… do vậy Nhà nước sẽ thất thu thuế và các doanh nghiệp quảng cáo, đài truyền hình sẽ mất nguồn thu chính, rơi vào cảnh khó khăn. Vô hình trung, các doanh nghiệp quảng cáo ở nước ngoài lại được hưởng lợi…”.
Đồng thời xét về mặt văn hóa, giải trí các chương trình thể thao văn hóa lớn trong và ngoài nước đều có quảng cáo của các thương hiệu bia rượu. Nếu cấm thì sẽ kéo theo người dân không được tiếp cận các chương trình này.
Hơn nữa nếu không cho nhà sản xuất bia, rượu giới thiệu sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ không phân biệt được sản phẩm thật giả, chất lượng. Không có thông tin thì dễ dẫn tới việc người tiêu dùng mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc vì ham rẻ sẽ ảnh hưởng cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, việc cấm quảng cáo, tài trợ của doanh nghiệp chưa hẳn sẽ hạn chế người dùng bởi việc quản lý bán hàng hiện nay của Việt Nam cũng chưa thực sự chặt chẽ.