Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Cát tặc lộng hành ở sông Cà Lồ: Đằng sau có thế lực nào 'chống lưng'?

Cát tặc lộng hành ở sông Cà Lồ: Đằng sau có thế lực nào 'chống lưng'?
Sông Cà Lồ được xem là một trong những "điểm nóng" về tình trạng khai thác cát trái phép. Những năm qua, "cát tặc" vẫn hoành hành nơi đây và được báo chí phản ánh nhiều lần.

Mới đây, PhapluatNet có bài phản ánh "Cát tặc ngang nhiên 'tàn phá' sông Cà Lồ" trên địa phận huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Theo đó, người dân tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đang rất bức xúc về tình trạng khai thác cát công khai giữa ban ngày trên sông Cà Lồ. 

Rất nhiều tàu cát có công suất lớn liên tục tàn phá dòng sông khiến đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở vô cùng nghiêm trọng gây nên bức xúc cho bà con nông dân trong khu vực.

Cát tặc lộng hành ở sông Cà Lồ: Đằng sau có thế lực nào 'chống lưng'?
Ngang nhiên hút trộm cát giữa ban ngày tại sông Cà Lồ.

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn gửi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sóc Sơn đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.

Cụ thể, tại công văn số 1223/UBND- TKBT ngày 23/03/2018, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung có nêu vấn đề phản ánh của cơ quan báo chí về hàng loạt tàu hút cát hoạt động hết công suất trên sông Cà Lồ, khu vực xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Sông Cà Lồ được xem là một trong những "điểm nóng" về tình trạng khai thác cát trái phép. Những năm qua, việc khai thác cát vẫn diễn ra được báo chí phản ánh nhiều lần.

Trên báo Tuổi Trẻ Online, vào năm 2011 đã có bài viết "Hàng chục năm không dẹp nổi "cát tặc"". Trong bài, ông Nguyễn Hữu Tửu (thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ví nạn “cát tặc” giống như khối u nhức nhối mà cả chục năm qua vẫn loay hoay không sao dẹp nổi.

Cát tặc lộng hành ở sông Cà Lồ: Đằng sau có thế lực nào 'chống lưng'?
Bài phản ánh trên báo Tuổi Trẻ Online

 “Hơn 20 thuyền cát của các chủ thuyền trong xã hút liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhiều đoạn cả hai bên bờ bãi đều bị xói lở, bốn bề bờ bãi bị đào ruỗng. Kỳ họp nào của xã chúng tôi cũng nói nhưng sau đó đâu lại nguyên đó” - ông Tửu bức xúc.

Đến năm 2016, "cát tặc" vẫn lộng hành trên sông Cà Lồ. Vấn đề này được nhiều báo phản ánh như Kinh Tế Đô Thị, Báo Hà Nội Mới...  Trên tờ Kinh Tế Đô Thị, ông Kim Văn Huy – Trưởng thôn Mạnh Tân (xã Thụy Lâm) cho hay, tình trạng khai thác cát trái phép đã khiến hàng chục héc ta đất nông nghiệp của bà con nơi đây bị sụt sạt xuống sông. Tại khu vực bãi Bở và đồng Rũi của thôn, chỗ sạt lở còn nguyên màu đất mới.

Cát tặc lộng hành ở sông Cà Lồ: Đằng sau có thế lực nào 'chống lưng'?

Ông Hoàng Văn Chắt – Trưởng thôn Yên Phú thì , tính sơ sơ trong khoảng 5 năm qua, tổng diện tích đất sản xuất của bà con bị sụt sạt chừng 8 – 9ha. Một điều hết sức đáng lo ngại là tình trạng sạt lở ven sông Cà Lồ ngày càng lấn sâu vào khu dân cư, đe dọa cuộc sống ổn định của người dân nơi đây. Không chỉ vậy, đền Vua Bà cũng đang đứng trước nguy cơ sạt lở cao, nếu tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép không sớm được ngăn chặn.

Trao đổi trên báo Hà Nội Mới, ông Hoàng Đức Đông ở thôn Yên Phú cho biết thêm: Do quá bức xúc nên nhiều người dân thôn Yên Phú đã tự tổ chức đuổi và vây bắt các tàu hút cát trên sông, trong đó đã bắt và đánh chìm 5 tàu hút cát. Nhưng cũng chẳng thấm tháp gì, vì lợi nhuận cao, các đối tượng hút cát bất chấp mọi thủ đoạn để hoạt động trở lại. 

Cát tặc lộng hành ở sông Cà Lồ: Đằng sau có thế lực nào 'chống lưng'?

Năm 2017, tại Hà Nội, theo điều tra của Sở TN-MT thành phố, hiện trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ và sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn Thủ đô có 18 khu vực khai thác cát, trong đó có tới 13 khu vực không phép, sai phép. 

Trên địa bàn thành phố hiện cũng có 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, nhưng chỉ có 17 bãi hợp pháp số còn lại hơn 90% là bất hợp pháp; trong đó, chỉ riêng tuyến đê Hữu Hồng có tới 112 bãi. Tại các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình và Đồng Nai cũng vậy. Không chỉ cát tặc liên tục hoành hành mà sự quản lý thiếu chặt chẽ của các địa phương này tại một số mỏ cát đang gây ra những khiếu kiện phức tạp.

Trước thực tế này, dư luận đặc câu hỏi: Liệu đằng sau các nhóm cát tặc có thế lực nào chống lưng hay không? 

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc khai thác cát trái phép, sai phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi nhưng không dừng lại được, vì nó mang lại một nguồn lợi lớn nên dễ dẫn đến nhóm lợi ích: “Chính quyền ở nhiều địa phương là gần như bó tay trước tình trạng này trong khi chính quyền có đủ lực lượng để ngăn chặn. Nhiều trường hợp người dân đấu tranh, ngăn chặn nhưng chính quyền không giải quyết dứt điểm, đây là những điều trên thực tế đã diễn ra. Tôi cho rằng, ở đây có thể đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong câu chuyện quản lý khai thác cát”.

Đặng Nguyên (TH)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.18302 sec| 646.109 kb