13 người chết, hàng chục người bị thương là con số thiệt hại về người chỉ sau thảm họa tại tòa nhà Trung tâm thương mại ITC ở TPHCM năm 2002. Thế nhưng, điều đáng nói là thảm họa này đã được cư dân Carina nhiều lần kiến nghị.
Họ cho biết chỉ 7 tiếng trước khi sự việc xảy ra, người dân đã họp với Ban quản trị chung cư để phản ánh các bất cập tại tòa nhà. Trong biên bản cuộc họp được đăng tải lên Facebook của cộng đồng dân cư Carina, một trong những vấn đề được nêu là nguy cơ cháy nổ.
Theo đó, cư dân yêu cầu quản lý tòa nhà tháo ngay những màn hình quảng cáo trong thang máy vì chắn luồng gió thông hơi ở trần cabin, nhiệt lượng tỏa ra rất lớn. Nhiều người khác đồng tình, cho rằng việc rò rỉ điện từ các màn hình quảng cáo này gây nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ cháy nổ.
Đặc biệt, cư dân cũng phản ánh tình trạng bảo vệ tòa nhà hút thuốc trong hầm giữ xe, khả năng cháy rất cao. Hay một số căn hộ tại tầng một được cho thuê để kinh doanh, làm kho hàng cũng tiềm ẩn nguy cơ này.
Bức xúc bởi nhiều lần phản ánh tình trạng mất an toàn về phòng cháy ở chung cư Carina, anh Ngô Tấn Vũ Khanh (ngụ tầng 12, khu A) nói: “Tầng hầm có hơn 1.500 xe máy, ô tô mà bảo vệ lúc nào cũng phì phèo thuốc lá. Còn thang máy, mới chiều hôm qua tự động trượt từ tầng 6 xuống tầng 1. Biển quảng cáo trong thang máy cũng thường xuyên xảy ra chập điện. Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều nhưng không được xử lý”.
Anh Khanh cho biết thêm, chiều 22/3, khi đi làm về anh phát hiện vị trí gắn đèn quảng cáo trong thang máy xảy ra tình trạng chập điện. Anh đã gọi điện phản ánh và cũng trong chiều cùng ngày, nhiều người dân trong khu chung cư gửi thắc mắc, kiến nghị đến ban quản lý và chủ đầu tư nhưng không được phản hồi thích đáng. Dù có tổ chức diễn tập PCCC nhưng không hiểu sao khi xảy ra cháy, chuông báo động không hề hoạt động. Cũng không có một giọt nước nào từ hệ thống PCCC được phun ra. Như vậy, lâu nay hệ thống báo cháy chỉ là để trang trí, qua mắt cư dân?”, anh Khanh bức xúc.
"Lúc đó chúng tôi hoàn toàn không nghe chuông báo động, chỉ biết sự việc khi nhiều người tri hô cháy nhà. Nhà nào cũng cuống cuồng kéo vợ con chạy vào thang bộ, thoát lên phía trên vì ở dưới khói bốc lên ngùn ngụt không thở được", anh Linh ngụ khu A, nói.
Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng (quyền Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM) cho biết, lửa ở tầng hầm nhanh chóng bao trùm khoảng 300 m2. Trong khi đó các cửa cầu thang thông lên tầng trên đều mở tung do bị chêm gạch, khiến khói lùa lên rất mạnh. Hệ thống chữa cháy tự động trước đó gần như không hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ không có... Khi lính cứu hỏa đến nơi, lửa khói đã rất lớn.
Tại cuộc họp báo ở trụ sở UBND quận 8 sau đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chất vấn: "Người dân nói không nghe tiếng chuông báo cháy mà do dân tự động báo cho nhau. Trong khi cảnh sát chữa cháy quận 8 báo cáo cho tôi kiểm tra hai lần mỗi năm. Vì sao kiểm tra mà không phát hiện hệ thống báo cháy không hoạt động, phải làm rõ", ông Phong yêu cầu.
Ngày 23/3, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, công an đã làm việc với pháp y và các đơn vị liên quan, thu thập các dữ liệu để điều tra làm rõ. “Công an tiếp tục xác định lại số người của chủ đầu tư, Ban quản trị chung cư có mặt trong đêm xảy ra cháy. Ngoài ra, công an tập trung lấy lời khai các bảo vệ của chung cư”, thiếu tướng Phan Anh Minh nói.
Ông Minh cho hay, vụ cháy bắt đầu từ tầng hầm, khả năng do hệ thống điện của xe nhưng cũng không loại trừ khả năng cài đặt gây nổ do trong khi cháy có nhiều tiếng nổ phát ra. Ngoài ra, tại hiện trường, hệ thống cửa ngăn cháy bị kê chặn ở các tầng, không đóng lại nên khí độc và hơi nóng từ tầng hầm bốc lên đến tận tầng 14 của chung cư.
Tú An (TH)