Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chảy máu chất xám

Chảy máu chất xám
Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu hỏi Bộ trưởng giáo dục về số tiền được chuyển ra nước ngoài mỗi năm cho nhu cầu du học.

Con số 4 tỷ USD, được nhắc đến như một loại chi phí, khiến một câu hỏi phát sinh đồng thời: Những người được đầu tư cho ăn học với khoản tiền khổng lồ như vậy nhưng rồi lại không về Việt Nam, chẳng phải là thiệt hại to lớn cho nước nhà?

Hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Mỹ, tôi nhận được nhiều câu hỏi rằng có về Việt Nam làm việc hay không, khi nào về. Khi tôi ra mắt sách, có độc giả hỏi rằng tôi đã đóng góp được gì cho Việt Nam, có người hàm ý đi nước ngoài suốt như thế thì ở Việt Nam lúc nào đâu mà đóng góp, rồi chuyển sang chuyện người tài đi hết thì để Việt Nam lại cho ai.

Khi biết tôi chưa có ý định làm việc tại Việt Nam, không ít người đã lập tức biến tôi trở thành một trong vô vàn ví dụ của của hiện tượng chảy máu chất xám. Có người thể hiện ngay vẻ mặt thất vọng, buông ra vài câu có ý chê trách. Có những bình luận trên mạng nói thẳng, rằng ôi nó cứ ra vẻ tốt đẹp này kia nhưng rồi có cơ hội cũng bỏ ra nước ngoài sống cho sướng thân.

Trong buổi giao lưu với học sinh trường THCS Ngôi sao tại TP HCM tuần trước, một phóng viên hỏi tôi: "Liệu em có sợ mọi người sẽ nghĩ em không yêu nước nếu em sống và làm việc ở nước ngoài?". Lúc đó, dù cố giải thích nhưng tôi vẫn cảm thấy chị có vẻ khó chấp nhận lý lẽ tôi đưa ra, rằng cần nhìn nhận lại thế nào là chảy máu chất xám.

Trên chuyến bay trở về, tôi không khỏi nghĩ về việc liệu yêu nước và sống ở nước ngoài liệu có mâu thuẫn với nhau như cách nhiều người mặc định hay không. Cụm từ “chảy máu chất xám” từ trước đến nay luôn mang tính tiêu cực là một phần khiến tôi cảm thấy bị coi như “tội đồ” vì quyết định không về Việt Nam làm việc ngay.

Thật dễ để nhìn thấy những tác hại của việc người có trình độ, kỹ năng lao động cao ra nước ngoài sinh sống. Điều rõ ràng nhất là họ sẽ không sử dụng trình độ, kỹ năng đó của mình để giải quyết những vấn đề cấp bách tại nước nhà. Họ sẽ không thể truyền bá những kiến thức họ học được đến những người đang rất cần nó ở quê hương. Sống ở nước ngoài đồng nghĩa với việc họ sẽ đóng thuế ở nước ngoài, tiêu tiền ở nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế cho nước ngoài.

Tuy nhiên, nhìn nhận việc chảy máu chất xám dựa trên những tác hại này là một cách nhìn đơn giản và phiến diện. Nó dựa trên quan điểm sai lầm rằng cứ ai ở nước ngoài là quê nhà "mất đứt" con người đó, bộ óc đó. Nhiều người coi làm việc ở nước ngoài là quãng thời gian để họ học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu, trau dồi trên trường quốc tế, đợi đến khi khả năng chín hơn mới quay trở lại quê hương để đóng góp. Dĩ nhiên, không phải lúc nào điều họ mong muốn cũng được hậu thuẫn, điển hình như câu chuyện của GS Trương Nguyện Thành gần đây.

Với tôi, một người vừa ra trường với tấm bằng ngành Trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không có một phòng nghiên cứu nào có thể giúp tôi tận dụng hết kỹ năng của mình, cũng không có chuyên gia đầu ngành nào để tôi có thể làm việc cùng và học hỏi. Tôi cũng còn quá non để có thể tự làm nghiên cứu. Lựa chọn duy nhất cho tôi tại thời điểm này là làm việc ở một trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới, đóng góp cho nước nhà qua những dự án cá nhân, chờ đến thời điểm thích hợp để quay trở về.

Rất nhiều những người đã và đang sống ở nước ngoài đóng góp về Việt Nam theo cách họ có thể. GS Ngô Bảo Châu làm tạp chí toán Pi cho trẻ em, mở vườn ươm với 3.000 cuốn sách ở vịnh Hạ Long, và cũng là một trong những người khởi xướng dự án Cùng đọc sách. VietSeeds, tổ chức phi lợi nhuận cung cấp học bổng, hướng nghiệp cho các bạn sinh viên Việt Nam, được thành lập bởi các cựu du học sinh Việt Nam ở Mỹ. TS Lương Minh Thắng, một nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hiện đang làm việc tại Google, khởi xướng VietAI, một tổ chức phi lợi nhuận giúp đào tạo thế hệ chuyên gia trí tuệ nhân tạo tiếp theo tại Việt Nam. Danh sách này còn dài nữa.

Hầu hết những người làm việc ở nước ngoài vẫn gửi tiền về Việt Nam, hoặc để giúp gia đình, hoặc đầu tư vào các công ty ở Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, ước hơn 13 tỷ USD kiều hối đã đổ về Việt Nam trong năm 2017. Và Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia có kiều hối lớn nhất toàn cầu.

Hiện tượng "chảy máu chất xám" còn có một lợi ích khó có thể cân đo đong đếm được: truyền cảm hứng. Sự thành công của người Việt trên trường quốc tế là bằng chứng để các bạn trẻ thấy chúng ta đều có thể sánh vai với nhân tài khắp nơi. Họ là động lực để các bạn trẻ Việt Nam chủ động học hỏi, tìm kiếm cơ hội, nhận ra rằng mình không bị giới hạn bởi luỹ tre làng.

Thay vì chê trách người tài không chịu về Việt Nam để xây dựng đất nước, chúng ta trước hết cần phải thay đổi định nghĩa về "người tài". Phải làm sao để không phải cứ được giáo dục ở nước ngoài mới là người tài. Chỉ riêng năm 2017, Việt Nam có thêm hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Công sức dành để lôi kéo du học sinh trở về chẳng phải sẽ tốt hơn nếu được sử dụng để đào tạo cử nhân trong nước có thể làm việc, đóng góp cho đất nước?

Chúng ta cũng cần phải thay đổi cái nhìn về “xây dựng đất nước”. Đã qua lâu rồi cái thời cứ phải ở nhà đắp đê, trồng lúa mới là xây dựng đất nước. Giới hạn khả năng di chuyển của bất cứ ai trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay không chỉ khó, mà còn là mang tính độc đoán. Thay vì bắt người tài ở nhà, hãy tạo điều kiện để họ cũng có thể phát huy hết tiềm năng mà không phải mặc cảm tội lỗi.

Một quốc gia đối xử tốt với người dân, thì người dân ở đâu cũng sẽ hướng về quốc gia đó.

Theo VnExpress

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.18095 sec| 645.438 kb