Tổ chức giáo dục toàn cầu EF (Education First, hoạt động ở 116 quốc gia) vừa báo cáo kết quả nghiên cứu lần thứ 8 năm 2018 về chỉ số thông thạo tiếng Anh (English Proficiency Index – EPI) của 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, dựa trên dữ liệu của 1,3 triệu bài thi tiếng Anh được chọn ngẫu nhiên từ những người thi trưởng thành. Đây là chỉ số đánh giá khả năng tiếng Anh lớn nhất toàn cầu hiện nay.
Kết quả được phân thành 5 nhóm: rất tốt, tốt, trung bình, tệ và rất tệ.
Nhóm rất tốt và tốt chủ yếu gồm các quốc gia Châu Âu và các nước chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức như Singapore, Phillippines…
Nhóm trung bình gồm một số quốc gia Châu Âu, một số quốc gia và vùng lãnh thổ từng là thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng lâu dài của Anh, Mỹ như Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Macau...
Nhóm kém tiếng Anh gồm đủ thành phần, trong đó gồm nhiều quốc gia phát triển như Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan.
Nhóm rất kém chủ yếu là các nước Trung Đông, và các nước châu Phi (Concacaf).
Việt Nam thường được xếp vào nhóm trung bình hoặc khá. Lần này được vào nhóm trung bình, xếp hạng 41/88, đứng trên Trung Quốc 6 bậc, trên Đài Loan 7 bậc, trên Nhật 8 bậc, trên Indonesia 10 bậc, trên Thái Lan 23 bậc, trên Myanmar 41 bậc, trên Cambodia 44 bậc.
Chỉ tính riêng khu vực Châu Á, nếu trừ các nước lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức và các nước vốn là thuộc địa hoặc chịu lệ thuộc lâu dài vào Anh, Mỹ như Singapore, Philippines, Ấn Độ, Hồng Kông, Hàn Quốc, thì chỉ số thành thạo ngoại ngữ của Việt Nam đứng hạng nhì, chỉ sau Malaysia.
Mặc dù báo cáo chỉ ra một số xu hướng liên quan đến trình độ tiếng Anh của quốc gia, tuy nhiên, không hề có mối quan hệ nào giữa một quốc gia phát triển, có trình độ khoa học kỹ thuật vượt bậc đi kèm với trình độ tiếng Anh. Cụ thể như Nhật Bản, Trung Quốc đã là các quốc gia phát triển nhưng trình độ tiếng Anh của họ thuộc nhóm kém. Ngược lại, các quốc gia có trình độ tiếng Anh tốt như Philippines, Ấn Độ, Nigeria vẫn đang phát triển.
Hà Tùng