Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền 5 năm trước, ông đã khiến giới tinh hoa Trung Quốc chấn động với cam kết sẽ để thị trường đóng "vai trò quyết định" trong các quyết sách lớn và làm giới cải cách hào hứng với viễn cảnh kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục bùng nổ một cách thần kỳ, theo Politico.
Khi đó, nhiều người tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là "không thể tránh khỏi", "không thể tranh cãi" và cụm từ "Giấc mơ Trung Hoa" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí Xinhua còn tuyên bố hồi năm ngoái rằng Trung Quốc "đang lấy lại sức mạnh của mình và vươn lên ngôi đầu thế giới".
Trước mắt, ông Tập đã đưa ra 2 mục tiêu. Thứ nhất, ông muốn kinh tế Trung Quốc giảm phụ thuộc vào tín dụng, các khoản nợ cũng như mô hình doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, Bắc Kinh có xu hướng ưu tiên phát triển nóng nền kinh tế thay vì các mục tiêu nâng cấp lâu dài. Tuy nhiên, chính sách cứng rắn của Mỹ đang đe dọa tới 2 mục tiêu này.
Ban đầu, Trung Quốc dường như nhận định rằng Mỹ chỉ đang “thổi phồng” những lời đe dọa để "nắn gân" Bắc Kinh. Bắc Kinh tính toán rằng, chính quyền ông Trump có thể sẽ đánh thuế vào một số hàng hóa của Trung Quốc như là một chiêu thức thương lượng do Tổng thống Mỹ vốn là người nổi tiếng với nghệ thuật đàm phán. Thực tế là, những đời tổng thống trước đó cũng có các chính sách chống Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cho rằng đó là một động thái mang lại uy tín chính trị nhiều hơn, theo Politico.
Trung Quốc dự tính rằng Trump chắc chắn sẽ áp thuế với một số mặt hàng của Trung Quốc, nhưng đó chỉ đơn thuần là chiến thuật đàm phán, một phần trong "Nghệ thuật Thương thảo" mà Trump luôn tự hào. Dẫu sao, nhiều ứng viên tổng thống Mỹ vẫn thường xuyên công kích Trung Quốc trong quá trình tranh cử, sau đó lại làm hòa với Bắc Kinh sau khi nhậm chức.
Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ nguyên nhận định này khi Trump ra lệnh áp thuế 25% với thép và 10% nhôm hồi tháng 5. Một tháng sau, khi chính quyền Trump quyết định áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, họ vẫn tin tưởng rằng chừng ấy là đủ để làm thỏa mãn những cố vấn có quan điểm cứng rắn ở Nhà Trắng như Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro.
Với tính toán đó, Trung Quốc thể hiện sự tự tin bằng đòn trả đũa thuế, cho rằng chính quyền Trump sẽ sớm chấm dứt cuộc đấu thương mại và đi đến giải pháp thỏa hiệp. Nhưng ông Tập và các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh dường như sớm nhận ra sai lầm của mình, khi Trump tiếp tục tung ra đòn áp thuế thứ hai vào tháng 9.
Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục áp thuế lên 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, trong bài phát biểu ngày 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định cứng rắn rằng: “Chúng tôi sẽ không lùi bước”, dấu hiệu cho thấy năm 2019 có thể sẽ là một năm “sóng gió” hơn với Trung Quốc.
Theo Politico, bài phát biểu của ông Pence dường như ngầm xác nhận một điều rằng cuộc chiến thương mại của ông Trump nhằm mục đích đáp trả Trung Quốc nhiều hơn là tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Và ông Trump có thể tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn và thậm chí cứng rắn hơn nữa để tạo thành lợi thế cạnh tranh trong cuộc tái tranh cử tổng thống năm 2020. Bỏ qua Nga, ông Pence thậm chí nhấn mạnh: “Trung Quốc là nước can thiệp bầu cử thật sự”.
Căng thẳng vẫn chưa chấm dứt với Trung Quốc vì ông Trump cảnh báo rằng ông có thể sẽ kích hoạt giai đoạn 3, nghĩa là áp thuế vào phần hàng hóa xuất khẩu còn lại từ Trung Quốc sang Mỹ, nâng tổng số hàng chịu thuế lên mức 505 tỷ USD.
Chính những điều đó đã buộc chính quyền của ông Tập phải ban hành các chính sách nhằm đảm bảo mức tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế trước các động thái của Mỹ. Họ ban hành các chính sách giảm thuế, kích thích cho vay kinh doanh, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng… Politico cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay của Trung Quốc có thể sẽ không trở thành hiện thực.
Hậu quả của cuộc chiến thương mại cũng bắt đầu ảnh hưởng đến đời sống của người dân Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng nước này tăng 2,5% vào tháng 9, mức tăng chỉ xếp sau giai đoạn cao điểm mua sắm mùa tết âm lịch, theo Nikkei. Nhiều mặt hàng tăng giá do chính sách áp thuế mà Trung Quốc đưa ra để đáp trả đòn thương mại của Trump.
Biện pháp áp thuế trả đũa của Trung Quốc đã khiến giá đậu nành, mặt hàng nước này nhập khẩu lớn từ Mỹ, tăng đáng kể, kéo theo đó là nhiều hệ lụy khác. Nó không chỉ làm tăng giá mặt hàng dầu thực vật, mà còn khiến giá bã đậu nành dùng làm thức ăn chăn nuôi cũng tăng 10-20%, gây khó khăn cho ngành nuôi lợn ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước cho biết nông dân Trung Quốc giờ đây mất 200 tệ với mỗi con lợn, trong khi chính quyền nỗ lực hỗ trợ để giá thịt lợn không tăng quá cao.
Vũ Huy (TH)