Liên quan tới các bệnh về mắt khi đi bơi ở nơi sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng, Ths.BS Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, mùa hè là thời điểm các cháu nhỏ hay được phụ huynh cho đi bơi. Chất lượng nước ở các bể bơi khác nhau. Có những bể bơi rẻ, mọi người tập trung đông nhưng nước ở bể bơi cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh cho mắt vì có rất nhiều chất sát khuẩn trong nước bể bơi, gây kích ứng làm cho mắt đỏ kéo dài hoặc gây tổn thương các biểu mô bề mặt của mắt.
"Thực tế ý thức vệ sinh nơi công cộng của nhiều người không tốt, không tắm tráng hoặc có những bệnh về vệ sinh đường sinh dục nên gây nhiều bệnh cho người khác khi đi tắm ở đây trong đó có bệnh về mắt. Việc tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng cơ hội lây nhiễm các loại vi khuẩn như Chalamydia. Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, diễn biến kéo dài nếu không được điều trị đúng", Ths.BS Đặng Xuân Nguyên nhấn mạnh.
Ngoài ra liên quan tới bệnh về mắt của trẻ nhỏ trong mùa hè cũng có một số bệnh nhân dị ứng mắt do khói bụi và các dị nguyên như phấn hoa, lông súc vật... Tình trạng dị ứng có thể gây ngứa, đỏ mắt kèm theo cảm giác nóng rát. Các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết gỉ mắt với các đặc điểm: màu trong, dai dính, lỏng như nước cháo, đôi khi đặc quánh; nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng.
Tới đây, sẽ có nhật thực một phần thì có thể gây ra tình trạng tổn thương thể thủy tinh, võng mạc làm ảnh hưởng đến thị lực lâu dài của người bệnh nếu khi xem nhật thực mà không dùng kính bảo vệ mắt.
Trước quan niệm của nhiều người về việc, đeo kính râm khi đau mắt đỏ có thể giúp người khác không bị lây bệnh cũng như việc nhìn vào mắt người bệnh sẽ bị lây, Ths.BS Nguyên cho rằng, nhìn vào mắt nhau không thể lây bệnh bởi tác nhân gây bệnh thường do vi rút gây ra.
Vi rút đau mắt đỏ có nhiều trong dịch tiết của mắt (nước mắt, ghèn), trong mũi, miệng, nước bọt... của người bệnh. Khi người bệnh nói chuyện hoặc ho, nhảy mũi... sẽ bắn ra những hạt nước có mang virus và lây cho người lành. Một lần hắt hơi có thể đem virus bệnh bắn xa tới 7m. Đó có thể là tác nhân lây bệnh. Người bệnh nên chủ động đeo khẩu trang khi có mắc kèm các bệnh lý hô hấp để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng”, bác sĩ Nguyên cho hay.
Chuyên gia khuyến cáo để đề phòng, người bệnh lẫn người chưa bị bệnh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay có chứa cồn. Không dùng tay chạm vào hoặc dụi mắt mà dùng khăn sạch, tốt nhất là khăn giấy mềm để lau mắt. Rửa tay sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt và chạm vào các vật dụng công cộng, không sử dụng chung đồ với người bệnh.
Nguyễn Huệ