“Đấu tranh với tội phạm là một nghệ thuật. Điều tra viên ngoài trình độ chuyên môn phải có kiến thức xã hội, am hiểu tâm lý tội phạm, tuyệt đối không bức cung, nhục hình”, Đại tá Bùi Bé Năm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang bày tỏ.
Ông cho rằng, với tội phạm không chỉ có trừng trị mà phải thể hiện tính nhân văn, đối xử có tình người thì họ mới nể mà khai nhận hành vi phạm tội.
Duyên phá án mờ
Đại tá Bùi Bé Năm bộc bạch, điều tra, truy bắt tội phạm hình sự ở địa bàn biên giới đầy nguy hiểm và gian khổ. Thủ phạm gây án xong, thường lẩn trốn qua biên giới.
“Có vụ án xác định chính xác hung thủ nhưng để bắt được thì không dễ dàng, phải đi lại sang nước bạn hàng chục lần, kéo dài hàng năm trời”, vị Trưởng phòng Cảnh sát hình sự nói.
Nhiều vụ rất khó khăn, thủ phạm gây án xóa sạch dấu vết, ngụy tạo hiện trường giả hòng đánh lạc hướng điều tra. Cán bộ điều tra phải tỉ mỉ, khám xét từ những dấu vết nhỏ nhất từ đó đưa ra nhận định, điều tra đúng hướng để dựng chân dung thủ phạm, diễn biến và động cơ gây án.
Vụ án Cao Quốc Phong (SN 1983, ngụ huyện Chợ Mới, An Giang, nhân viên 1 văn phòng công chứng) sát hại người tình để cướp tài sản rồi vứt xác nạn nhân xuống sông Hậu là một minh chứng khá rõ. Phong cao tay khi dùng nhiều hành vi tinh vi xóa dấu vết, hòng đánh lạc hướng cơ quan điều tra rồi bỏ trốn sang Campuchia.
Đại tá Bùi Bé Năm kể, do cần tiền nên Phong lên kế hoạch giết người tình để cướp tài sản. Gã rủ người tình đến một khách sạn ở TP Long Xuyên để “tâm sự”. Quan hệ xong, Phong lấy dao chém nhiều nhát vào đầu, mặt khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Nghi phạm bỏ thi thể nạn nhân vào một vali loại lớn rồi thuê taxi chở đến TP Châu Đốc, định đến phà Châu Giang bỏ xuống sông Hậu phi tang. Phong thấy có đông người qua lại, sợ bị lộ nên thuê taxi chạy về hướng Vĩnh Long. Lên giữa cầu Cần Thơ, Phong ném xác xuống sông Hậu. Tài sản cướp được của nạn nhân, Phong đem bán, cầm cố lấy tiền sang Campuchia đánh bạc.
Cuối năm 2015, vùng quê xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) chấn động với vụ án giết người, hiếp dâm và cướp tài sản. Người phụ nữ trên 50 tuổi được người dân phát hiện trong tình trạng khỏa thân, nổi trôi trên kênh Sáu Bèo.
Hiện trường vụ án, cách biên giới Việt Nam - Campuchia chừng 100m, khu vực không một bóng người. Cán bộ khám nghiệm tỉ mỉ từng dấu vết, trong khi hàng chục trinh sát tỏa đi khắp nơi tìm kiếm thông tin, thủ phạm.
Sau 3 giờ điều tra, chân dung nghi phạm được dựng lên là Nguyễn Chí Thanh (22 tuổi, ngụ cùng xã với nạn nhân). Lúc này, Thanh đang chuẩn bị bỏ trốn qua Campuchia. Ngồi với điều tra viên, Thanh đưa ra nhiều chứng cứ ngoại phạm và khai báo quanh co.
Từ kết quả phân tích khám nghiệm hiện trường và chiến thuật hỏi cung linh hoạt, Thanh không thể chối cãi, khai nhận hành vi phạm tội.
Ngụ cùng xã, Thanh biết nạn nhân có nhiều tài sản, thường bơi xuồng qua lại biên giới cho vay bạc góp tại các sòng bạc.
Trưa 24/11/2015, Thanh uống nửa lít rượu rồi đến bờ cây phục kích. Vừa phát hiện nạn nhân chèo xuồng từ hướng Campuchia về, Thanh lao ra câu cổ, dìm xuống nước dẫn đến tử vong, cướp tiền, vàng và nữ trang. Nghi phạm kéo thi thể nạn nhân vào bờ, xâm hại tình dục rồi tẩu thoát khỏi hiện trường.
Lấy nhân tâm, phục lòng người
Từ lâu trụ sở Phòng cảnh sát hình sự An Giang luôn là địa chỉ tin cậy của người dân, nhưng là nỗi sợ hãi của tội phạm. Đây cũng là cái nôi đào tạo ra rất nhiều cán bộ tài năng, trong đó nhiều trinh sát mà cả cuộc đời binh nghiệp của họ gắn bó nơi này.
Đại tá Bùi Bé Năm gắn liền với nhiều chuyên án nổi cộm của tỉnh biên giới An Giang. Siêu trộm khét tiếng Nguyễn Văn Nhã (Nhã “ông trời”) là kẻ xảo quyệt, luôn tạo vỏ bọc kính là doanh nhân thành đạt.
Nhã dùng tiền phạm tội để làm từ thiện nhằm tạo uy tín, mối quan hệ với chính quyền, luôn tìm cách xóa sạch dấu vết, che giấu hành vi phạm tội. Với kinh nghiệm đấu tranh, bằng chiến thuật hỏi cung hợp lý, thể hiện được tính nhân đạo, tình người, Đại tá Bùi Bé Năm đã cảm hóa, khuất phục được vị “doanh nhân” này khai nhận hành vi phạm tội.
Nhã "ông trời" từng tâm sự: “Tôi là dân giang hồ. Cứ nghĩ nếu bị bắt thế nào cũng bị đánh đập, nên đã chuẩn bị tinh thần… 'không biết'. Lúc đó tôi tin mình không để lại dấu vết, không có chứng cứ, không khai nhận thì Công an không thể làm gì được. Nhưng anh Năm (Đại tá Bùi Bé Năm - PV) đã đối xử với tôi đầy tình người, không phải kiểu hỏi cung giữa cán bộ điều tra với tội phạm, nên tôi phục, tôi khai”.
Nhã khai liền một mạch 18 vụ trộm tiệm vàng mà y cùng đồng bọn thực hiện ở ĐBSCL, với giá trị tài sản hàng ngàn lượng vàng. 17 vụ trót lọt, đến vụ thứ 18 khi gây án tại vùng biên giới An Giang, Nhã “ông trời” bị Đại tá Bùi Bé Năm làm rõ chân tướng, từ giấy CMND để tại khách sạn.
Hay chuyên án từng đi vào giai thoại, vụ 6 đối tượng bịt mặt, sử dụng vũ khí quân dụng cướp 324 lượng vàng của tiệm vàng Quốc Thắng (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên) vào ngày 5/7/2009. Vụ cướp táo tợn, gây hoang mang cao độ trong nhân dân vùng biên lúc bấy giờ.
Qua kết quả phân tích hiện trường và tài liệu, chứng cứ thu thập, Đại tá Bùi Bé Năm cùng Ban chuyên án nhận định, nhóm đối tượng từ Campuchia sang gây án. Đến Phnom Penh 12h đêm, Đại tá báo cáo Ban giám đốc, tranh thủ các mối quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng nước sở tại, bắt giữ nghi phạm đầu tiên.
Đối tượng cực kỳ ngoan cố nhưng bị vị trưởng phòng hình sự thuyết phục, khai ra đồng bọn. 5 nghi phạm còn lại tại Campuchia và 3 kẻ “chỉ điểm” tại Việt Nam nhanh chóng sa lưới. “Đối với người phạm tội không chỉ có trừng trị mà phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích”, Đại tá Bùi Bé Năm nói.
Theo VietNamNet