Để chuẩn bị thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ đó là làm mẹ, nhiều bà bầu cần phải trang bị cho mình những kiến thức bổ ích, tốt nhất để chào đón thiên thần của mình. Ngoài những kiến thức sau sinh chào đòn baby, thì việc chuẩn bị kiến thức để sinh nở cũng hết sức quan trọng.
Được biết, nhiều thai phụ rỉ đang rỉ tai nhau uống loại nước lá tía tô khi đau đẻ sẽ giúp chuyển dạ dễ dàng hơn. Chỉ cần gõ từ khóa này trên mạng sẽ có hàng loạt các trang web, diễn đàn đưa ra các bài viết về kinh nghiệm các người đi trước.
Theo một thai phụ thì bản thân chị sau 10 giờ đau đớn, được chồng đưa cho uống cũng chuyển dạ sau 30 phút. Chị tin tưởng rằng việc chuyển dạ diễn ra ngay là nhờ uống nước lá tía tô.
Thậm chí có người còn cho rằng bà bầu nên uống ngay từ tháng thứ 8, mỗi ngày 1 ly cũng giúp mềm cổ tử cung và giúp cổ tử cung mở nhanh hơn khi sinh nở.
Trước những lời đồn thổi của bà bầu, lương y Vũ Quốc Trung (Hội đông y Việt Nam) cho hay, tía tô trong Đông y còn có tên gọi khác là tô điệp, tử tô, tô ngạch. Tía tô có tác dụng trị cảm mạo, sốt, ho. Cành của cây tía tô là một trong những vị thuốc có tác dụng an thai. Phụ nữ bị cảm khi uống nước tía tô sẽ nhanh lành bệnh.
Trong y học cổ truyền không có nội dung nào ghi chép uống nước lá tía tô sẽ giúp dễ sinh.
"Nếu có trường hợp uống lá tía tô mà dễ sinh thật thì cần phải có nghiên cứu và số liệu cụ thể. Và không phải ai uống lá tía tô cũng đều có tác dụng, có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với cơ địa của người kia”, lương y Vũ Quốc Trung nói.
Lương y Bùi Hồng Minh - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho biết: “Tía tô trong Đông y là vị thuốc chữa cảm rất hiệu quả. Cành của cây tía tô có tác dụng an thai khi bị động thai. Tôi chưa từng nghe thấy dùng lá tía tô đun nước uống giúp dễ sinh”.
Cũng theo khuyến cáo của lương y này, khi mang thai, không nên dùng nước lá hay cành tía tô uống hàng ngày thay nước.
“Dùng lá tía tô uống hay ăn sống để chữa bệnh nhất là đối với bà bầu cần phải được đảm bảo sạch. Tốt nhất là chỉ nên dùng lá nhà trồng được để tránh nguy cơ có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật", lương y Bùi Hồng Minh nói.
Bác sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) chia sẻ với VnExpress, trong thai kỳ nói chung, cơ thể thai phụ đã nóng, nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp.
“Tía tô vừa dùng làm thức ăn vừa dùng làm thuốc. Theo Đông y, lá và cành non cho vị thuốc tử tô, có vị cay, tính ấm, được xếp vào loại thuốc chữa cảm lạnh. Ngoài ra, nó còn có dùng để chữa các chứng đầy bụng, ho, giải độc tôm cua, giải độc mật cá, nôn mửa...”, bác sĩ Thanh cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo nếu dùng vị thuốc này lâu ngày có thể khiến người mệt mỏi, kém ăn, thở nông, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ... Chú ý, không dùng tử tô trong trường hợp cảm nóng, người nhiều mồ hôi sử dụng cần thận trọng.
Các chuyên gia khuyến cáo, bản thân lá tía tô là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì khi sử dụng để chữa bệnh phải có chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt là với thai phụ. Mọi người không nên tự ý dùng bừa bãi.
H.A (TH)