Họ đã nên duyên từ câu nói đó của anh Quý và đến tận bây giờ, anh vẫn bảo vệ chị như cách họ đến với nhau.
Chuyện tình cảm động mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là của cặp đôi khuyết tật Trần Thị Ngọc (SN 1983, Hóc Môn, TP.HCM) và anh Phạm Thanh Quý (SN 1979, Đắk Lắk). Họ đã bên nhau, yêu nhau thương nhau và chứng minh tình yêu của mình đối với hai bên gia đình.
Trò chuyện với PV, chị Ngọc cho biết, năm 2 tuổi, sau một cơn sốt cao, chị không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người thân trong gia đình. Đến tuổi đi học, bố mẹ cũng phải ngày ngày đưa chị đến trường, lúc bận thì nhờ bạn bè cõng đến lớp.
Còn anh Quý không may bị liệt từ nhỏ nhưng vẫn có khả năng tự lo cho cuộc sống của mình. Nhưng đến năm 2007 sau một tai nạn giao thông anh phải ngồi xe lăn mãi mãi.
Không mặc cảm, tự ti trước số phận, họ vẫn vươn lên và ra ngoài xã hội học tập, cống hiến. Cả hai cùng xin vào sinh hoạt ở một trung tâm khuyết tật và phát triển.
Ngày ấy, chị Ngọc sinh hoạt trong nhóm sống độc lập dành cho người khuyết tật. Trong một buổi sinh hoạt chung để nói về tình yêu, chị Ngọc đã chia sẻ câu chuyện của mình. Tình cảm của chị đổ vỡ khi chị yêu một chàng trai bình thường. Nhưng vì sức ép của gia đình chàng trai ấy không thể cùng chị vượt qua được rào cản đó và họ đã chia tay nhau.
Câu chuyện nhiều lắng đọng và cảm xúc đã khiến anh Quý đứng dậy nói về suy nghĩ của mình. Khi ấy anh Quý nói “Nếu tôi là người đó tôi sẽ không bao giờ để người phụ nữ của mình phải chịu khổ và rơi vào hoàn cảnh như vậy”.
“Tôi đã ấn tượng với anh Quý ngay từ câu nói đó, sau giờ nghỉ giải lao, chúng tôi có làm quen với nhau. Tôi được biết anh Quý ở Đắk Lắk nhưng ở trọ Hóc Môn mấy năm và cũng gần nhà tôi nên chúng tôi đã xin số điện thoại của nhau. Hơn nữa, khi biết tôi đi đâu cũng nhờ mẹ hoặc chị đưa đi, anh có nói nếu sau này tôi bận anh sẽ tự nguyện đưa tôi đi.
Vậy là anh đã chủ động nói chuyện, quan tâm tới tôi nhiều hơn. Tôi có nói với anh “Anh không sợ mọi người hiểu lầm sao?” Anh chỉ cười “Mọi người đang hiểu đúng đó, anh thích em”. Hiểu được tình cảm chân thành của anh, nhưng tôi cũng đưa ra quan điểm của mình khi yêu, anh tôn trọng hết những điều đó”, chị Ngọc tâm sự.
Những tưởng, cùng cảnh ngộ họ sẽ không vấp thêm rào cản nào nữa. Thế nhưng, 2 bên gia đình đều nhất mực phản đối. Bởi, ai cũng lo lắng vì cả hai không có khả năng đi lại vậy tại sao không tìm một người khác để hỗ trợ mình.
Mặc dù bố mẹ có nói, khuyên bảo nhưng chị Ngọc và anh Quý vẫn quyết định đến với nhau. Cả hai cùng thuyết phục bố mẹ, họ chứng minh cho bố mẹ thấy họ có thể lo lắng, chăm sóc được cho nhau dù xảy ra bất kỳ chuyện gì.
Không những thế, anh chị còn tự kiếm sống, bảo vệ nhau những lúc khó khăn. “Những lúc bố mẹ nóng thì tôi tìm cách đi đâu đó hoặc nói sang chuyện khác. Hoặc có lần, bố mẹ mắng nhưng tôi im lặng. Đợi khi bố mẹ nguôi dần thì chúng tôi nói cho bố mẹ hiểu từng chuyện một. Nếu như lấy người bình thường mà không yêu thương mình thì cuộc sống sẽ khổ hơn rất nhiều so với sống với người cùng cảnh ngộ”, chị Ngọc chia sẻ.
Cuối cùng, vì thương hai con đã chịu nhiều khổ cực, gia đình 2 bên đã đồng ý để họ về một nhà. Ngày chị Ngọc mặc váy cưới, ngồi trên xe lăn, nắm chặt tay anh Quý vào lễ đường có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của chị. Cưới xong, chị được bố mẹ cho một miếng đất để làm căn nhà nho nhỏ. Vì không thể tự đi lại nên cuộc sống của đôi vợ chồng cũng gặp không ít khó khăn, họ không thể tự quét sân, làm những việc nặng. Mọi thứ trong nhà đều để thật thấp để anh chị có thể dễ tay với lấy được.
Chị bảo, ngôi nhà của chị mọi người thường ví như nhà của Bạch Tuyết và 7 chú lùn. Đến giờ chị vẫn tin quyết định của mình là đúng và những ngày tháng tiếp theo, chị cùng anh Quý sẽ xây dựng một mái ấm hạnh phúc.
Mai Hằng