Vừa qua, PhapluatNet nhận được đơn khiếu nại của chị Nguyễn T.T.L trú tại Hải Dương phản ánh về việc trong quá trình chị đăng ký đi xuất khẩu lao động Đài Loan thì được một công ty môi giới tư vấn cho chị đến công ty XKLĐ nguồn nhân lực Việt Nam Thái Bình Dương để sang Đài Loan làm tại công ty nhựa. Tuy nhiên, điều khiến chị bức xúc là việc chị đã đóng số tiền 136 triệu đồng để được sang làm nhựa nhưng khi sang đến nơi lại bị sắp xếp làm công việc khác không đúng theo hợp đồng, không đúng với hứa hẹn ban đầu khiến chị vô cùng bức xúc, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ khi không được làm đúng chuyên môn của mình.
“Do hoàn cảnh gia đình nên tôi có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Sau đó, tôi biết anh Trần Mạnh Toàn là chủ của một trung tâm môi giới tại địa chỉ 23 ngách 2/1 ngõ 2 phố Nguyễn Khả Trạc, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội do người bạn giới thiệu. Sau thời gian chờ đợi đơn hàng để được đi Đài Loan, anh Toàn có tư vấn cho tôi làm tại công ty Nhựa vì công việc chuyên môn của tôi là làm về nhựa. Được tư vấn đúng chuyên môn nên chị tôi đã đồng ý. Ngay sau đó anh Toàn đưa tôi sang công ty Thái Bình Dương có địa chỉ tại Học viện quản lý cán bộ xây dựng, ngõ 129 Trần Phú, Hà Đông”, chị Nguyễn T.T.L trình bày trong đơn.
Trong lúc ký kết hợp đồng, chị L. khẳng định mình được tư vấn sẽ làm việc tại công ty nhựa bên Đài Loan. Sau khi ký kết hợp đồng xong, anh Toàn yêu cầu chị L. chuyển tiền cho anh làm thủ tục xuất cảnh. Chị L. đã chuyển đủ 136 triệu đồng. Trong quá trình ký hợp đồng với công ty Thái Bình Dương, phía công ty không cho chị giữ bản hợp đồng nội địa. Sau khi xuất cảnh sang Đài Loan làm việc, chị L. nhận thấy công việc thực tế làm không đúng với lời tư vấn ban đầu mà chị đã phải làm công việc về in. Công việc tiếp xúc với hoá chất khiến sức khoẻ của chị không được đảm bảo nên chị đã về Việt Nam với sự bức xúc trong lòng và niềm tin bị đánh mất, chị L. cho biết thêm.
Để rộng đường dư luận, PV PhapluatNet đã có buổi làm việc trực tiếp với công ty XKLĐ nguồn nhân lực Việt Nam Thái Bình Dương. Trao đổi tại buổi làm việc, chị Hương - chuyên viên mảng XKLĐ Đài Loan cho biết: “Về cơ bản bên công ty cũng đã nắm được câu chuyện có khách hàng ở Hải Dương đang khiếu nại công ty mình, đối với việc này, công ty khẳng định không nhận tiền của L.. Nếu chị L. phản ánh như thế thì tất cả hợp đồng phải báo cáo lên Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội. Công ty khẳng định là không sai đơn hàng của chị L., còn về địa điểm không đúng thì khách hàng phải làm việc lại với bên phía Đài Loan. Về phía công ty Thái Bình Dương hoàn toàn chuẩn chỉnh. Vấn đề phản ánh chỉ là một phần, đối với phần tiền của chị L. công ty không nhận bất kể một chi phí nào khác. Khi chị L. đi được một tháng, gia đình chị L. có lên công ty làm việc và có to tiếng với công ty. Phía công ty Thái Bình Dương sau khi biết tin chị L. bị đi sai công việc bên Đài Loan cũng đã gọi điện sang công ty môi giới bên đó để tìm hiểu và hỗ trợ người lao động. Lý do phản hồi phía bên Đài Loan là tại sao 30 ngày rồi mới phản ánh công việc không phù hợp, gây ảnh hưởng sức khoẻ. Công ty môi giới cho rằng nếu không chịu được với công việc này thì sẽ đổi cho sang việc khác nhưng lao động không đồng ý. Qua sự việc này, công ty cũng đã hỗ trợ và giải quyết với người lao động đổi bộ phận công việc khác và hỗ trợ một phần tiền nhất định.”
Khi PV đặt câu hỏi liên quan đến việc làm cách nào mà Công ty Thái Bình Dương biết đến chị L. và ký hợp đồng cho chị L. sang Đài Loan, chị Hương trả lời: "Công ty Thái Bình Dương cho biết đến chị L. qua một công ty cộng tác viên khác ở địa chỉ Nguyễn Khả Trạc, còn đồng chí Toàn môi giới cho chị L. thì công ty hoàn toàn không biết. Bên công ty Thái Bình Dương sẽ hỏi lại bộ phận tạo nguồn để xem có hợp đồng nào liên danh liên kết với chỗ anh Toàn bên cộng tác viên không. Theo như quy định, khi lao động về nước là do lao động xin về, công ty cũng chịu phí vé máy bay và VISA. Công ty sẽ nói chuyện với bên Đài Loan để hỗ trợ chi phí trả lại lao động khi về nước. Công ty Thái Bình Dương sẽ tạm ứng trước số tiền hơn 3000 USD để trả lại cho lao động khi xin về nước.
Một lần nữa, công ty khẳng định anh Toàn không phải là người của công ty Thái Bình Dương, không có hợp đồng lao động với công ty và công ty không biết anh Toàn là ai. Bên công ty cũng không hiểu sao người lao động lại không đủ tỉnh táo, không đủ thông minh để yêu cầu anh Toàn cung cấp các giấy tờ liên quan đến công ty Thái Bình Dương để đảm bảo an toàn. Thực chất, cũng đã có rất nhiều lần công ty bị nhiều đối tượng mạo danh nói là nhân sự của công ty Thái Bình Dương, người lao động nên hết sức cẩn thận trước những tình huống như vậy…".
Xuất khẩu lao động, doanh nghiệp làm về XKLĐ đưa người đi nước ngoài trong thời gian vừa qua đang là vấn đề nóng, hết sức nhạy cảm được đông đảo độc giả quan tâm. Bên cạnh những công ty XKLĐ uy tín thì cũng có không ít công ty làm ăn không có tâm, lừa đảo người lao động đi nước ngoài gây thiệt hại về tài sản cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đứng trước sự việc trên, các cơ quan chức năng liên quan như Bộ LĐTBXH cần siết chặt hơn, kiểm tra rà soát thường xuyên các hoạt động đưa người đi nước ngoài để tránh rủi ro không đáng có cho người lao động.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.