Như PhapluatNet đã đăng tải trong bài viết "Công ty Thiên Rồng Việt: biến tướng kinh doanh đa cấp tiền ảo?" phản ánh về việc Công ty CP đầu tư Thiên Rồng Việt (gọi tắt là TRV, có trụ sở tại 16 Trần Doãn Khanh, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) hoạt động huy động vốn trái phép bằng việc kinh doanh đồng tiền ảo VNCoins.
Tìm hiểu về hoạt động kinh doanh tiền "ảo" của Công ty Thiên Rồng Việt tại website: vncoins.vn, thì thấy rằng công ty này quảng cáo “nổ” với các nhà đầu tư rằng: “VNCoins (VNC) được ứng dụng và giao dịch trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong thương mại điện tử, để đơn giản hoá việc thanh toán cũng như kiểm soát mức độ giao dịch...
VNCoins sẽ tạo ra một hệ thống thanh toán cho tương lai. Trước mắt phát triển, cung cấp tại Việt Nam và dần dần phát triển trên khắp thế giới. VNC đã tạo ra một mật mã bí mật an toàn, đáng tin cậy và nhanh chóng. Chúng tôi tập trung vào việc dễ sử dụng cho tất cả các đối tượng và xây dựng một cộng đồng online rộng lớn trên khắp thế giới
VNCoins có hệ sinh thái tiềm năng như: Tích hợp cùng dịch vụ thanh toán cho thương mại điện tử (https://allunee.com), Ví trung thanh toán trung gian Yopay, chuyển đổi từ nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác nhau, thanh toán dịch vụ vận chuyển thông minh, dịch vụ giải trí, thanh toán trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, coffee... và rất nhiều tiện ích khác của VNCoins. Dịch vụ thông minh, tiện ích và đơn giản hoá là mục tiêu mà VNCoins hướng tới.”
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, theo đăng ký kinh doanh củ Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực: Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (mã ngành 6619), cụ thể: Hoạt động tư vấn đầu tư (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).
Ngoài ra, trong giấy phép kinh doanh cũng không hề thể hiện thêm bất kỳ ngành nghề nào phù hợp với hoạt động kinh doanh tài chính kỹ thuật số mà công ty này đang huy động, quảng cáo rầm rộ tại các sự kiện do công ty này tổ chức.
Ngày 2/1 vừa qua, PV đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP.HCM để làm rõ hơn về việc này. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khắc Hiếu đại diện Sở Công Thương cho hay: “Hiện tại Sở Công Thương chưa có nhận được bất kỳ biên bản nào về việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp của công ty này từ phía Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương.”
“Về hình thức hoạt động kinh doanh của công ty này không có hàng hóa, mà thiên về dịch vụ nên giả sử trong tình huống công ty này xin cấp phép từ Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương để đề nghị cấp phép thì Cục cũng sẽ không chấp nhận vì không thuộc đối tượng nằm trong điều chỉnh theo Nghị định 42/2014 về cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp. Khả năng cao công ty này sẽ không có giấy phép được vì bản chất của họa động kinh doanh đa cấp là phải bán hàng hóa. Công ty này đang hoạt động theo kiểu giống hoạt động đa cấp về hình thức khuyến mại, trả thưởng.” Ông Hiếu chia sẻ thêm.
Theo như thông tin do Sở Công thương TP. HCM cung cấp thì việc người tiêu dùng, các nhà đầu tư kinh doanh “nghi ngờ” về tính pháp lý của việc huy động tiền vốn bằng tiền “ảo” này đang trái với quy định của pháp luật, dễ khiến nhà đầu tư gặp “rủi ro” trắng tay là hoàn toàn có cơ sở.
Qua đó, tòa soạn PhapluatNet đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, ngăn chặn các hành vi huy động vốn “trái luật” theo kiểu đa cấp của Công ty Thiên Rồng Việt nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, nhà đầu tư.
Bộ Luật hình sự 2015 (Sửa đổi 2017) trong đó có quy định về hành vi cung cấp, phát hành và sử dụng tiền ảo là phương tiện thanh toán sẽ bị xử phạt hành chính hoặc ngồi tù đã có hiệu lực từ 1/1/2018. Với những quy định này, việc trao đổi và mua bán Bitcoin, Etherum, USDT hay các đồng tiền kỹ thuật số khác, khi chưa được pháp luật Việt Nam công nhận có thể sẽ không bị phạt nhưng những doanh nghiệp, tổ chức tự phát hành tiền ảo để gọi vốn đầu tư gây thiệt hại cho người tham gia sẽ nằm trong diện phạm pháp.
Thanh Sơn - Mạnh Đại