Ngày 18/3, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết đơn vị này vừa cứu sống thành công bệnh nhi Đ.S.P. (3 tuổi, ở xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, Thanh hóa) nhập viện do uống nhầm thuốc diệt chuột. Đáng chú ý, bệnh nhi đang nhiễm virus SARS-CoV-2.
Dân Trí thông tin, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tình trạng nguy kịch với biểu hiện lơ mơ, tím tái, co giật từng cơn và nhịp tim rất nhanh.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị suy hô hấp cấp/nhiễm độc thuốc diệt chuột/ COVID-19. Xác định có virus, tiên lượng rất nặng, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, cắt cơn co giật, hồi sức tích cực và theo dõi toàn trạng.
Sau 5 ngày hồi sức điều trị tích cực, bệnh nhi hiện ổn định, không sốt, không co giật, ăn tốt và có thể xuất viện trong tuần tới.
Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời kể của người nhà cho biết, vào ngày 12/3, trong lúc không có người lớn trông, bệnh nhi vào bếp chơi và lấy thuốc diệt chuột uống. Sự việc được người hàng xóm phát hiện khi sang nhà chơi và thấy bệnh nhi cầm chai thuốc diệt chuột trên tay.
Bệnh nhi nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương nhưng sau khi xuất hiện co giật, bé được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Theo bác sĩ Đinh Hoàng Anh, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, bệnh nhi may mắn được chuyển đến cơ sở y tế xử trí sớm nên phục hồi sức khỏe nhanh chóng và không để lại di chứng.
Thuốc diệt chuột bệnh nhi sử dụng thuộc nhóm Natri Fluoroacetate, thường có xuất xứ từ Trung Quốc, được đóng trong tuýp thuốc dung dịch màu hồng, màu sắc bắt mắt, trông giống một số loại nước giải khát.
Được biết, Natri Fluoroacetate gây ức chế hô hấp tế bào, mất dự trữ năng lượng và làm chết tế bào, khi vào cơ thể sẽ đầu độc hệ thần kinh, gây triệu chứng đau đầu, suy giảm tri giác, co giật, liệt cơ, thậm chí hôn mê, rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động, suy thận cấp,...
Nhân trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ và người chăm sóc cần chú ý đến trẻ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Khi phát hiện trẻ uống nhầm thuốc diệt chuột, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đó, bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để đào thải bớt thuốc ra ngoài.