Tại buổi làm việc ngày 12/3/2018, đại diện Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Sài Gòn 5 (Công ty Sài Gòn 5) cho biết, công ty Sài Gòn 5, Công ty này thuộc Tổng công ty Sài Gòn. Công ty có khoảng 99,8% vốn của nhà nước. Nguồn gốc khu đất dự án là đất công được tổng công ty chuyển nhượng cho Công ty Sài Gòn 5.
Do việc phân phối, bán hàng còn yếu nên phía chủ đầu tư dự án đã ký hợp đồng phân phối dự án Saigon Skyview với 1 Công ty phân phối.
Cũng theo đại diện Công ty Sài Gòn 5, đơn vị này đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, phía công ty lại không cung cấp được giấy tờ hồ sơ liên quan tới việc này.
Trong buổi làm việc này, khi hỏi về việc đơn vị phân phối đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi huy động vốn bằng cách thu tiền giữ chỗ, đặt cọc, phía Công ty Sài Gòn 5 lập luân rằng, đó là theo tình hình chung của thị trường, nói đặt cọc giữ chỗ là nhạy cảm, phía đơn vị phân phối chỉ tìm hiểu thông tin khách hàng, đây là bước kinh doanh của đơn vị phân phối.
“Khách hàng tự nguyện đóng 30 triệu để tìm hiểu thông tin, khách hàng có thể lấy lại bất cứ khi nào cho tới khi đặt cọc, khi khách hàng đóng tiền thì sẽ được ưu tiên lựa chọn căn hộ khi mở bán”, đại diện Công ty Sài Gòn 5 cho hay.
Đại diện công ty Sài Gòn 5 khẳng định, hiện tại dự án mới đang trong giai đoạn ép cọc và đã hoàn thành được 20 % giai đoạn này, theo dự kiến khoảng tháng 9/2018 mới đủ điều kiện bán căn hộ.
Liên quan tới việc chấp thuận, phê duyệt hồ sơ thiết kế dự án về phòng cháy cháy chữa cháy của Sở PCCC TP HCM, đại diện chủ đầu tư cho hay, trước khi xây dựng dự án đã được thẩm tra, thẩm định và có đầy đủ giấy phép. Phía Công ty Sài Gòn 5 cũng hứa sẽ cung cấp những giấy tờ hồ sơ liên quan, tuy nhiên sau nhiều ngày phía công ty này vẫn chưa đưa ra được những giấy tờ liên quan để chứng mình đủ điều kiện.
Khi được hỏi thỏa thuận phân phối dự án, đại diện Công ty Sài Gòn 5 nêu rõ, khi ký thỏa thuận thì công ty phân phối chỉ phân phối dự án theo đúng quy định của pháp luật. Việc đơn vị phân phối nhận đặt cọc giữ chỗ là theo tình hình chung của thị trường, nếu đơn vị này làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm.
Với việc để cho đơn vị phân phối tự ý huy động vốn trái pháp luật khiến dư luận đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng công ty này đang qua mặt chủ đầu tư huy động vốn để sử dụng cho mục đích riêng hay chính chủ đầu tư đang đá bóng trách nhiệm để “ém” việc không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
Tại các khoản 2,3 điều 57, nghị định số139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính kinh doanh bất động sản nêu rõ.
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với chủ đầu tư khi thu tiền của bên mua, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án hoặc thu vượt quá tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định.
Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; Kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định; Bán hoặc cho thuê mua nhà ở thương mại hình thành trong tương lai mà chưa được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính theo quy định
P.V