Theo VKS, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Thiên Thanh) là người đề ra chủ trương lấy tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, chỉ đạo việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng, chỉ đạo việc lập khống hồ sơ gửi 6.630,12 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường 2 tại 3 ngân hàng tiền BIDV, TPBank, Sacombank cầm cố, bảo lãnh, để vay trên 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng nêu trên để Danh sử dụng…
Phạm Công Danh là người tổ chức việc phát hành, ra thông báo và bán trái phiếu tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung khi chưa có báo báo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền là trái với quy định tại các Điều 13, 14, 16, Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính Phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bị cáo Danh là người trực tiếp gặp lãnh đạo các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, thông qua Nguyễn Việt Hà móc nối với TPBank vay tiền đầu tư trái phiếu. Thông qua các hình thức như kinh doanh vật liệu xây dựng, lập khống nhiều hợp đồng trái phiếu, kinh doanh BĐS, phát hành trái phiếu trái phép, Danh chỉ đạo thuộc cấp lập khống các hồ sơ vay vốn để vay hàng ngàn tỷ đồng.
Danh lấy hơn 6.126 tỷ đồng gửi vào 3 ngân hàng làm tài sản bảo đảm, bảo lãnh vay cho 29 lượt công ty. Do các công ty này không có tiền trả nợ nên các ngân hàng trên siết nợ, thu hồi vốn, gây thiệt hại cho VNC số tiền trên 6.126 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Thành Mai, được Phạm Công Danh giao là TGĐ VNCB, Mai trực tiếp chỉ đạo các thuộc cấp lập khống hồ sơ, nhờ Nguyễn Việt Hà móc nối với cán bộ TPBank để bảo lãnh vay tiền, ký lệnh điều chuyển tiền, ký lệnh lấy hơn 6.126 tỷ đồng của VNCB gửi các ngân hàng SacomBank, BIDV, TPBank bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay vốn của các ngân hàng này, gây thiệt hại toàn bộ số tiền này của VNCB.
Các bị cáo mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết là những người tham gia họp, ký các biên bản họp HĐQT VNCN, thống nhất lấy tiền của VNCB gửi qua các ngân hàng để bảo lãnh cho các khoản vay. Các bị cáo là đồng phạm, giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện các hành vi sai trái. Tiếp tay cho Phạm Công danh lấy tiền được các ngân hàng giải ngân để trả nợ cho các công ty của tập đoàn Thiên Thành và sử dụng vào các mục đích riêng của Phạm Công Danh.
Bị cáo Trầm Bê, nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank, là người biết Phạm Công Danh cần tiền sử dụng nhưng Danh không thể vay tiền trực tiếp tại VNCB được nên Trầm Bê đã bàn bạc thống nhất cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng, với điều kiện là phải có tài sản bảo đảm.
Bị cáo Trầm Bê giao cho các thuộc cấp để các thuộc cấp làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho vay, trong khi hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc cho Phạm Công Danh sử dụng tiền vay trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.800 tỷ đồng. Trầm Bê đã giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh phạm tội, gây ra thiệt hại trên.
Bị cáo Phan Huy Khang, nguyên là Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank. Bị cáo Khang nhận chỉ đạo của Trầm Bê, gặp gỡ Phạm Công Danh và các thuộc cấp của Danh để bàn bạc, thống nhất cho Phạm Công Danh vay vốn. Khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty, mặc dù hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc cho Phạm Công Danh sử dụng tiền vay trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.800 tỷ đồng.
Các bị cáo khác trong vụ án như: Đinh Việt Cường, Nguyễn Thị Bích Thủy, Phan Minh Tùng, Nguyễn Việt Hà… đã có hành vi giúp sức, bàn bạc với Phạm Công Danh và các thuộc cấp của Danh trong việc Danh lấy tiền của VNCB gửi qua các ngân hàng để bảo lãnh cho các khoản vay.
Các bị cáo là bảo vệ, giữ xe, tạp vụ… được Danh thuê đứng tên các công ty do Danh thành lập đã có hành vi ký các hợp đồng vay hàng trăm tỷ đồng của các ngân hàng. Hành vi của các bị cáo này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, họ làm theo chỉ đạo cấp trên, không biết ký gì và có vay được tiền hay không, tiền vay được dùng làm gì nên xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Từ các nhận định nêu trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái, và tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp với bản án 30 năm tù trong giai đoạn 1 của đại án này, buộc Danh chấp hành mức án là 30 năm tù; bị cáo Trầm Bê bị đề nghị 5-6 năm tù; bị cáo Phan Thành Mai bị đề nghị 13-15 năm tù cùng về tội danh trên. Tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù.
4 thuộc cấp khác của Danh là Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị đề nghị 11-13 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù. Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị 4-5 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 23-24 năm. Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB) bị đề nghị 6-7 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 16-17 năm. Bị cáo Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 12-13 năm.
Thuộc cấp của Trầm Bê là Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) bị đề nghị 4-5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc công ty quản lý Quỹ Lộc Việt) bị đề nghị 6-7 năm tù.
36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", Giám đốc, Phó giám đốc các ngân hàng bị đề nghị từ 2-5 năm tù và cho hưởng án treo.
Về mặt dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên giải tỏa kê biên đối với căn nhà trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) để trả lại cho bà Viên Tú Anh vì căn nhà này không liên quan đến hành vi phạm tội của Trầm Bê. Đối với căn nhà trên đường Hồng Bàng (quận 6) được xác định là nhà của Trầm Bê, đề nghị HĐXX xử lý theo quy định pháp luật.
Về khắc phục hậu quả, đề nghị HĐXX yêu cầu bộ Công an thu hồi trên 6.126 tỷ đồng được xác định là tiền thiệt hại trong vụ án từ các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank trả cho CB để khắc phục hậu quả. VKSND TP.HCM giữ nguyên quan điểm của VKSND Tối cao, tiếp tục đề nghị tuyên thu hồi trên 6.126 tỷ đồng để trả lại cho CB.
Phạm Công Danh và các công ty của tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn trên 6.126 tỷ đồng cho 3 ngân hàng mà Danh gửi tiền sang cầm cố.
Buộc Nguyễn Việt Hà phải nộp lại trên 69 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính, sung công quỹ Nhà nước.
Đại diện Viện KSND TP.HCM cũng kiến nghị: Nếu không có hành vi cố ý làm trái của lãnh đạo 4 ngân hàng gồm VNCB, Sacombank, BIDV, TPBank thì Danh không thể dùng tiền của VNCB bảo lãnh để 3 ngân hàng cho 29 lượt công ty vay bằng toàn bộ hồ sơ khống, không có thiệt hại.
Ngoài các bị cáo bị xét xử, kiến nghị cơ quan điều tra bộ Công an điều tra làm rõ xử lý theo quy định đối với những cá nhân có trách nhiệm tại các ngân hàng nêu trên.
Theo Người Đưa Tin