Từ ngày còn đi học, bạn tôi là một người sống vì gia đình. Đến khi lấy chồng, càng nhận ra rằng cô ấy là một người phụ nữ hy sinh tất cả mọi thứ cho gia đình, một người phụ nữ công dung ngôn hạnh.
Mỗi lần, đám bạn tôi có dịp gặp mặt nhau, chưa nói được hết câu chuyện cô ấy đã vội vã ra về vì đến giờ đón con hay vì phải đi chợ để nấu món chồng thích. Với cô ấy, việc nấu cơm, dọn dẹp, chăm sóc chồng con dường như trở thành một thói quen không thể thiếu.
Tôi thấy, có người xem việc bếp núc, chăm sóc chồng còn là niềm vui nhưng có người lại xem đó như là trách nhiệm của người làm vợ làm mẹ. Nhưng dù nó là trách nhiệm hay niềm vui thì tôi thấy có những lúc nó cũng đem lại sự bực bội, phiền toái như nhau cả thôi.
Nhiều lúc bạn sẽ thấy cuộc sống của mình không còn tự do, bạn bị bó buộc với hàng mớ trách nhiệm cần phải hoàn thành. Bạn quên luôn cả việc bản thân của mình có những lúc phải được thư giãn, được chăm sóc và yêu thương.
Và cô bạn tôi cũng không khác gì lắm. Chồng cô ấy đi công tác liên miên, một mình cô ấy phải quán xuyến chuyện nhà cửa, con cái, tất tần tật mọi chuyện. . Xét về vật chất thì cô ấy không thiếu bất cứ thứ gì nhưng về tinh thần thì thiếu hụt trầm trọng.
Sống trong một căn biệt thự sang trọng, ai cũng tưởng cô ấy có một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng đâu ai ngờ trong ngôi nhà rộng lớn kia là một trái tim luôn chờ đợi chồng về mỗi chiều bên cạnh mâm cơm nóng hổi. Và rồi ngày nào cũng vậy, đến khi cơm nguội, đôi mắt cay xè, chồng cô ấy mới về trong tình trạng mệt mỏi, hoặc say mèm.
Thế mà cô ấy chưa một lần càm ràm, vẫn nhẹ nhàng hâm nóng thức ăn, đón chồng với nụ cười thật tươi. Bởi vì đó là thói quen, là một vở kịch mà cô ấy phải diễn trong cuộc đời này.
Những thói quen ấy, cô đã tạo cho mình trong suốt thời gian qua. Có thể nói, cô ấy lo cho chồng con đến nỗi bỏ luôn công việc, quên luôn việc chăm sóc chính mình. Vì sự hy sinh đó, nhẽ ra cô nên nhận được lời cám ơn của người chồng phải không? Ấy mà, ngược lại hoàn toàn, chồng cô trách cứ vì cô quá vô tâm, không quan tâm gì đến cuộc sống bên ngoài của anh như thế nào.
Lúc ấy cô mới nhận ra rằng, hóa ra những mối quan hệ, công việc của anh, cô hoàn toàn không biết gì cả. Ngoài việc lo cho chồng bữa cơm ngon, chiếc áo, cái quần đẹp, mọi thứ về anh cô đều mù tịt.
Vậy những điều cô đã hy sinh kia thì sao. Chả nhẽ là sai ư. Tôi không thể khẳng định đàn bà hi sinh cho chồng con là sai. Tôi chỉ muốn nói một điều đàn bà đừng quá hy sinh rồi trở thành thói quen không thể bỏ. Bởi những điều đó sẽ đưa bạn đến một kết cuộc: thất bại trắng tay trong cuộc hôn nhân của chính mình.
Hy sinh là điều không thể thiếu trong một mối quan hệ. Tuy nhiên yếu tố để tạo nên cuộc hôn nhân hạnh phúc đó là sự lắng nghe, quan sát, chia sẻ và thông cảm. Nếu cứ mãi cặm cụi hy sinh thời gian của bản thân vào chuyện nhà thì sớm muộn gì gia đình cũng sẽ xảy ra những xung đột.
Hãy nghĩ tới mình trước tiên, thương mình trên hết, bởi chẳng ai thương mình bằng chính mình. Bởi sống trên đời này, không biết tự trân trọng và nâng niu bản thân mình, thì không thể nào mong chờ ai khác làm điều ấy thay mình cả. Và bởi, lòng người lại nông sâu khó đoán, ngày hôm nay còn trân trọng nhau, chưa biết chừng ngay sau đó lại ngoảnh mặt làm ngơ như những người xa lạ.
Đàn bà à! Hy sinh là tốt nhưng đừng để đó trở thành thói quen. Đừng bao giờ dốc cạn kiệt vốn liếng của thanh xuân cho một ai đó. Người vô tâm không biết bạn hy sinh bao nhiêu để rồi sẽ chà đạp và xem thường bạn. Người vô tư không biết sẽ mang những điều đó ra giễu cợt. Người phản bội không biết sẽ khiến bạn tổn thương, nhẫn tâm đạp đổ sự hy sinh của bạn không thương tiếc. Bởi vậy, trên đời này điều gì cũng phải có giới hạn, đừng vượt qua ngưỡng cửa đó, ắt bạn sẽ tìm được hạnh phúc.