Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

ĐBQH lo lắng phòng, chống tham nhũng chỉ là bề nổi

ĐBQH lo lắng phòng, chống tham nhũng chỉ là bề nổi
Bày tỏ ý kiến của mình tại phiên thảo luận ở tổ về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ĐBQH Bùi Đặng Dũng lo lắng diễn biến tham nhũng ngày càng tinh vi.

Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, thảo luận tại tổ về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi).

ĐB Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) bày tỏ sự phân vân và lo lắng vì trên thực tế, tham nhũng còn diễn biến hết sức phức tạp.

“Tôi có cảm giác việc phòng chỉ bề nổi còn diễn biến tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Việc có chức, có quyền, có điều kiện là người ta tìm mọi cách thể hiện quyền của mình để tham nhũng. Trong thực tế phong phú lắm, ví dụ trường hợp 1 gia đình ở Hà Nội đi khai tử cho bố thì người ta cũng hành, vòi vĩnh để có được cái gì đó, thì có phải làm tham nhũng không?”, ông Dũng nêu ví dụ.

ĐBQH Bùi Đặng Dũng cũng cho rằng, hiện tại, việc kê khai tài sản của các cán bộ còn hình thức cùng với việc kiểm tra kê khai cũng khó. “Theo tôi, chúng ta nên theo 4 điểm không mà các nước tiên tiến đang làm: Không cần tham nhũng; không muốn tham nhũng đó là đánh giá cao sự tự trọng của công chức, viên chức, nếu tham nhũng là sự sỉ nhục; không dám tham nhũng nếu pháp luật của chúng ta nghiêm trị; không thể tham nhũng đó là luật pháp chặt chẽ khiến các đối tượng không có cách nào để tham nhũng”, ĐBQH Bùi Đặng Dũng nêu ý kiến.

ĐBQH lo lắng phòng, chống tham nhũng chỉ là bề nổi
Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long tại buổi thảo luận tổ chiều 31/5.

Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long cho ý kiến về thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước quy định tại Điều 100 và Điều 103 của dự thảo Luật. “Để làm ra tấm ra món có kết quả thì việc thanh tra, kiểm tra rất cần thiết. Tôi thống nhất nhưng cần quy định chặt chẽ về căn cứ trình tự và thủ tục tiến hành thanh tra có khác gì với thanh tra thông thường hay không. Chúng ta đặt mục tiêu là kiểm tra phòng, chống tham nhũng tại doanh nghiệp và các tập đoàn nhưng không bị lạm dụng, gây khó khăn, tăng chi phí đầu cho các doanh nghiệp. Đây là điểm cần lưu ý”, ĐBQH Lê Thành Long nói.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 dự thảo luật), ĐBQH Lê Thành Long nhất trí với phương án 1 vì cho rằng, phương án này có ưu điểm khắc phục được tình trạng dàn trải của cấp quản lý các cơ quan hiện nay, nếu cần thiết tăng bộ máy để đạt được hiệu quả.

Về nội dung này, buổi sáng cùng ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đã nêu ra 2 phương án.

Phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Chính phủ lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án 1.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án Nhân dân, viện Kiểm sát Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - , tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập; đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật. Phương án này đã tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay nhưng cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này.

Đồng thời, so với luật PCTN hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều trường hợp bắt buộc phải xác minh tài sản, thu nhập; bổ sung cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhiều nhiệm vụ mới  thì việc giao cho một đầu mối cơ quan kiểm soát là khó khả thi (các nhiệm vụ mới trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập; trách nhiệm tham gia tố tụng tại Tòa án trong trường hợp kết luận xác minh bị khởi kiện …).

Việc lựa chọn phương án này cũng hạn chế tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, với tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của các cơ quan thanh tra hiện nay thì chỉ riêng việc thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trong các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng đã quá tải.

Vì vậy, việc tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ không khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, bộ máy; ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng về thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Mặt khác, việc giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan Đảng, Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án Nhân dân, viện Kiểm sát Nhân dân cũng chưa thật phù hợp với cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức hệ thống chính trị và phân cấp quản lý cán bộ ở nước ta hiện nay.

Một số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật vì cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua là do phân tán thẩm quyền, thiếu bộ máy, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, việc giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình cũng khó bảo đảm khách quan.

Do đó, việc dự thảo Luật quy định đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và giao cho hệ thống cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ này là cần thiết và phù hợp. Phương án này sẽ tạo điều kiện để từng bước chuyên nghiệp hóa hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; giúp tập trung đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ, tập trung nhân lực, vật lực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, với quy định này thì việc tăng thêm tổ chức bộ máy, biên chế cho cơ quan thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được giao thêm là không tránh khỏi.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội xem xét theo quy trình 3 kỳ họp, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án luật này.

Dương Thu

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.17454 sec| 646.008 kb