Đoạn video quay lại cảnh người dân xuống dắt xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè để tránh tắc đường tại phố Tố Hữu (Hà Nội) đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng.
Ở phía bên kia đường, xe máy cũng chen chúc trên vỉa hè, trong khi 1/3 lòng đường phải bỏ trống để dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT). Điều này khiến dư luận tỏ ra bức xúc, cho rằng đã đến lúc Hà Nội nên “khai tử” BRT vì hoạt động không hiệu quả.
Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bên hành lang Quốc hội.
Thưa Đại biểu, trên mạng đang lan truyền đoạn video ghi lại cảnh người dân dắt xe đi ngược chiều trên vỉa hè để tránh đoạn tắc đường, trong khi đó, phía làn đường bên kia vẫn phải dành khoảng trống bằng 1/3 đường cho BRT. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Tắc đường ở Hà Nội vẫn là bài toán nan giải. Người dân phải dắt xe trên vỉa hè thể hiện việc hạ tầng không đáp ứng, nên buộc họ phải tự tìm một phương án để giải quyết tình trạng quá tải, tắc đường.
Trong trường hợp này, rõ ràng chúng ta phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để sử dụng một cách hiệu quả nhất hệ thống hạ tầng hiện có.
Chỉ khi nào giải quyết được đồng bộ các hệ thống giao thông kết nối với nhau, lúc đó người dân mới quan tâm và thấy rằng việc sử dụng phương tiện công cộng có thể thay thế phương tiện giao thông cá nhân.
Còn hiện nay, trong lúc giao thông đô thị đang quá tải mà chúng ta lại dành riêng một phần đường dân sinh cho hoạt động BRT thì không ổn. Rõ ràng việc đó chưa giải quyết được tình trạng quá tải, thậm chí còn làm cho tình trạng quá tải tăng lên.
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của BRT mà Hà Nội đang triển khai?
Đối với BRT, theo đánh giá chung của mọi người đều thấy hiệu quả của nó không cao. Không thu hút được đông đảo những người dân cần tham gia sử dụng hệ thống này. Nó cũng không giảm tải được tình trạng ùn tắc giao thông.
Như vậy, rõ ràng việc dành riêng làn đường cho BRT đang là vấn đề bất cập?
Thực tế, BRT cũng là một phương thức phát triển giao thông công cộng ở rất nhiều nước đã thành công. Tuy nhiên, ở nước ngoài, BRT có hệ thống đường vận hành riêng, tương đối độc lập, không làm ảnh hưởng đến hệ thống giao thông dân sinh khác. Nó đảm bảo được hành trình đúng giờ, chính vì điều đó đã thu hút được rất nhiều người dân tham gia giao thông.
Tuy nhiên, ở Hà Nội thì chỉ có 1 tuyến BRT, không có hệ thống kết nối. Vì vậy, số người tham gia BRT chỉ có một nhóm đối tượng, hạn chế lượng khách tham gia.
Thứ hai, BRT của Hà Nội không có 1 hệ thống hạ tầng riêng. Thực ra, BRT ở đây chính là lấy đi 1 phần đường của giao thông dân sinh để dành riêng cho BRT.
Như vậy, khi giải quyết nhu cầu lưu thông cho một nhóm người thì BRT lại ảnh hưởng đến phần giao thông dân sinh. Trong khi mật độ giao thông của Hà Nội đang rất lớn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm thì tất yếu sẽ tạo ra sự quá tải nhiều hơn trong 2/3 phần đường còn lại.
Rõ ràng đây là điều tạo ra bức xúc cho người dân trong khi tham gia giao thông vào trục đường có tuyến BRT, thậm chí dẫn đến chuyện đẩy người dân phải vi phạm chèn sang sử dụng đường dành riêng cho BRT. Cái đó thể hiện bất cập, cho thấy chính sách đưa ra chưa thực sự đi vào cuộc sống.
ĐBQH Hoàng Văn Cường: BRT gần như chiếm 1/3 diện tích lưu thông trên tuyến đường, còn các phương tiện khác rất đông thì chỉ được phép lưu thông trên 2/3 đường.
Nếu nói rằng BRT không có ích lợi gì thì không hẳn, nhưng chỉ phục vụ một nhóm ít người. Nếu so sánh giữa lượng khách được lưu thông bằng phương tiện BRT so với lượng người lưu thông bằng các phương tiện khác trên 2/3 đường còn lại, rõ ràng chúng ta thấy hiệu quả của BRT thấp hơn nhiều so với bên đường còn lại. Nhất là nhìn những phản cảnh như bên này đường thì quá tắc, quá đông còn bên kia lại trống. Vì vậy, bức xúc của người dân tôi cho rằng đúng, có cơ sở.
Vấn đề đặt ra, nếu cứ duy trì như hiện tại, có vẻ hiệu quả chưa cao, không hợp lý. Để đảm bảo khai thác có hiệu quả không gian về hạ tầng giao thông, cần phải thay đổi phương thức quản lý.
Ví dụ, chúng ta vẫn có thể dành một đường ưu tiên cho BRT nhưng ưu tiên thì cũng cho phép các phương tiện khác được lưu thông ở một giới hạn nào đó. Chẳng hạn như đường BRT trống thì được đi vào và không được dừng đỗ.
Tôi nghĩ rằng, không nhất thiết phải “khai tử” BRT nhưng nên tìm một phương án dung hòa, nên sử dụng có hiệu quả hơn làn đường dành cho BRT.
Theo Nguoiduatin