Theo thông tin từ TTXVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc thu gom, xử lý khẩu trang thải bỏ.
Theo đó, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (nCoV), Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc sử dụng và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng người dân vứt bỏ khẩu trang bừa bãi, không đúng nơi quy định, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Vì vậy, căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nói trên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân khi tháo bỏ khẩu trang chỉ nên cầm vào phần dây đeo qua tai; sau khi tháo khẩu trang, cho ngay vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín theo quy định và rửa sạch tay; bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín nơi công cộng. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định.
Theo điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này), bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Như vậy, người vứt khẩu trang y tế trên vỉa hè, đường phố có thể chịu mức xử phạt tối đa lên tới 7 triệu đồng.