Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đề xuất bỏ chế độ 'viên chức suốt đời' từ năm 2020

Đề xuất bỏ chế độ 'viên chức suốt đời' từ năm 2020
Dự Luật sẽ trình Quốc hội đề nghị bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức để khắc phục tình trạng tâm lý viên chức suốt đời.

Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một trong những đề xuất chính sách mới là bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới. Theo ông Tân, đề xuất này là thực hiện các nghị quyết của T.Ư khóa XII. Theo đó, tại dự thảo, Chính phủ đề xuất phương án, từ sau khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/1/2020), sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra” tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Với phương án này, sẽ không thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).

Đề xuất bỏ chế độ 'viên chức suốt đời' từ năm 2020
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng đưa ra phương án 2 giữ quy định như hiện hành, đồng thời, bổ sung quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày tại phiên họp cho biết, qua thảo luận, đa số tán thành phương án 1 của Chính phủ vì quy định như vậy tạo được sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm.

“Quy định này đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ”, ông Định nói.

Tuy nhiên, phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo luật này có hiệu lực. Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này của bộ luật Lao động theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật vì theo điều 22 của bộ luật Lao động thì không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, hiệu trưởng không còn là công chức

Một đề xuất khác của dự thảo luật là không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Theo ông Nguyễn Khắc Định, theo pháp luật hiện hành, những người thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức nhưng lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập và theo của Chính phủ thực tế những người này không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ.

Do đó, để thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng quản lý (công chức) và phân biệt rõ hơn việc quản lý nhà nước với quản trị sự nghiệp công lập thì quy định về đối tượng công chức như dự thảo luật là phù hợp và yêu cầu tại Nghị quyết số 19 của T.Ư.

Xóa tư cách chức vụ của cán bộ về hưu bị phát hiện vi phạm

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định, cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân được lấy ý kiến đều nhất trí với việc bổ sung quy định trên. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm của cán bộ, vậy những văn bản, quyết định mà người này đã ký còn hiệu lực hay không...

"Do đây là hình thức kỷ luật mới, diện áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở nghị định", ông Tân nói.
 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.57670 sec| 645.516 kb